Sức mạnh đáng sợ của súng trường bắn tỉa 8 cỡ nòng MRAD Mark 22

Quân đội Mỹ đang chuẩn bị tiếp nhận một loại súng trường bắn tỉa mới có khả năng thay đổi các cỡ nòng một cách nhanh chóng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Khả năng ưu việt của súng trường MRAD Mark 22

Súng trường bắn tỉa Barrett MRAD Mark 22 là loại vũ khí có hiệu suất vượt xa hiệu suất của các loại súng bắn tỉa hiện nay với có độ chính xác cao, tính linh hoạt, sử dụng được cả ban ngày lẫn ban đêm. Mark 22 không chỉ giúp gia tăng hiệu quả trong chiến đấu mà còn tăng khả năng sống sót cho binh sỹ trên chiến trường.

Sức mạnh đáng sợ của súng trường bắn tỉa 8 cỡ nòng MRAD Mark 22

Súng trường bắn tỉa Barrett MRAD Mark 22. Ảnh: Tatical Life.

Mark 22 có thể thay đổi 8 cỡ nòng khác nhau chỉ trong vài phút, giúp cho lực lượng đặc nhiệm Mũ Nồi Xanh, Lực lượng triển khai chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ (gọi tắt là SEAL) và các binh chủng đặc nhiệm khác tấn công mục tiêu ở khoảng cách 1.600m hoặc xa hơn. Công ty thiết kế và sản xuất vũ khí Barrett tuần trước thông báo, súng trường Mark 22 mới đã “vượt qua tất cả các giai đoạn kiểm tra chất lượng và khả năng hoạt động” do Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Mỹ (USSOCOM) đưa ra.

USSOCOM đã ban hành một loạt yêu cầu đối với súng trường bắn tỉa tiên tiến mới vào năm 2016. Theo Business Insider, Barrett đã giành được hợp đồng 49,1 triệu USD để sản xuất súng trường mới vào năm 2019. Thông báo nêu trên của Barrett cho thấy các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ đã hài lòng với mẫu súng trường mới này và bật đèn xanh cho việc tiếp nhận, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.

Ông Joel Miller, giám đốc phụ trách kinh doanh của Barrett cho biết: “Chúng tôi rất vui vì dự án đã đạt được một cột mốc quan trọng. Chúng tôi mong muốn cung cấp cho các binh sỹ khẩu súng sở hữu nhiều tính năng ưu việt này”.

Súng trường Mark 22 là một hệ thống vũ khí độc đáo. Không giống như các loại súng trường khác, nó được thiết kế để sử dụng nhiều loại loại đạn khác nhau, bao gồm: .338 Lapua, .338 Norma, .300 Norma, .300 Winchester Magnum, .308 Winchester, 7 mm, .260 Remington, và 6.5 Creedmoor.

Thao tác thay nòng rất đơn giản. Người sử dụng chỉ cần nới lỏng 2 ốc vít Torx-30, lắp nòng mới sau đó siết lại. Tuy nhiên, do áp suất rất lớn bên trong nòng súng, được tạo ra từ các loại đạn kích cỡ khác nhau, đòi hỏi các ốc vít phải được siết thật chặt với một lực hơn 189N.

Mark 22 được trang bị hộp tiếp đạn gồm 10 viên, với phần báng súng có thể tùy chỉnh để gấp gọn lại, giúp người sử dụng dễ dàng mang theo khi tham gia các hoạt động trên không. Báng súng của MRAD rất nhẹ với khả năng tinh chỉnh cao, giúp xạ thủ cảm thấy thoải mái khi bắn. Trên thân súng có đường ray Picatinny nguyên khối để lắp đặt kính ngắm, hệ thống laser và các phụ kiện khác. Súng cũng được trang bị ống ngắm Leupold Mark 5 HD.

Súng trường bắn tỉa Barret Mark 22 có trọng lượng từ 5 đến 6,5kg, không tính ống ngắm, giá súng và các loại phụ kiện khác. Ưu điểm chính của Mark 22 là khả năng thay đổi nòng súng và cỡ đạn. Trong nhiều thập kỷ qua, các tay súng bắn tỉa của Mỹ đã lựa chọn đạn .308 Winchester là loại đạn tiêu chuẩn. Theo quân đội Mỹ đạn .308 có tầm bắn tối đa khoảng 800m trên chiến trường. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây về công nghệ đạn dược cho phép các tay súng tiếp cận và bắn được những mục tiêu ở khoảng cách xa hơn so với trước kia.

Mark 22 cho phép một người lính bắn tỉa có thể luyện tập bắn nhiều mục tiêu khác nhau và sử dụng nhiều cỡ nòng khác nhau với chỉ một khẩu súng duy nhất. Các loại đạn như .338 Norma và .338 Lapua sẽ rất hữu ích để tấn công các mục tiêu ở xa, đặc biệt là ở địa hình đồi núi và khu vực khô cằn. Đạn .308 Winchester sẽ phát huy hiệu quả khi tấn công các mục tiêu gần, thường sử dụng trong tác chiến đô thị.

Trung tá lục quân Mỹ Chris Kennedy đánh giá: “Loại súng trường này giúp xạ thủ linh hoạt hơn trong tính toán việc sử dụng cỡ nòng và những mục tiêu họ nhắm bắn”.

Vũ khí đầy hứa hẹn của quân đội Mỹ

Theo Business Insider, cả lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đều muốn cung cấp súng trường Mk 22 MRAD cho các binh sỹ bắn tỉa của họ. Trong yêu cầu ngân sách cho năm tài chính 2021, lục quân Mỹ muốn mua 536 khẩu súng trường MRAD với kinh phí hơn 10 triệu USD trong khuôn khổ chương trình Súng trường bắn tỉa chính xác (PSR) để thay thế các loại súng trường M2010 và M107.

Video: Thử nghiệm súng trường Súng trường bắn tỉa Barrett MRAD Mark 22. Nguồn: Youtube.

Còn thủy quân lục chiến yêu cầu 250 khẩu súng với kinh phí khoảng 4 triệu USD trong khuôn khổ chương trình súng trường bắn tỉa hiện đại (ASR). Lực lượng này kỳ vọng, súng trường bắn tỉa Mk 22 MRAD sẽ thay thế tất cả những súng trường hoạt động theo cơ chế “bolt action” (lên đạn, đóng mở khóa nòng bằng tay) mà họ đang sở hữu.

Trong tài liệu về ngân sách, thủy quân lục chiến cho biết, “mẫu súng trường mới cung cấp “tầm bắn xa, khả năng sát thương cao hơn và sử dụng được nhiều loại đạn chuyên dụng hơn”.

Còn lục quân cho rằng “vũ khí mới sẽ giúp lực lượng này có được ưu thế vượt trội trong các cuộc giao tranh bắn tỉa và gia tăng khả năng bắn tỉa của xạ thủ”. Với trọng lượng nhẹ hơn nhưng có tính năng ưu việt hơn một số loại súng trường cũ, Mk 22 MRAD dự kiến sẽ trở thành Hệ thống vũ khí bắn tỉa phòng không (SWS) chính trong tất cả các đội bắn tỉa của lục quân.

Ông Kevin Sipes – một xạ thủ dày dặn kinh nghiệm của lục quân cho biết: “Đây là một khẩu súng tuyệt vời. Nó hoạt động tốt một cách phi thường. Các tính năng của súng cũng như việc có thể thay đổi các cỡ nòng khác nhau là khá đặc biệt”.

Trước Mark 22, tập đoàn Barrett cũng từng “khuấy động thị trường vũ khí” khi cho ra đời mẫu súng trường Barrett Model 82 - được coi là một trong những khẩu súng bắn tỉa uy lực nhất trên thế giới, có khả năng tiêu diệt mục tiêu hiệu quả ở khoảng cách lên tới 1.800 m./.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.