Tháo gỡ các vướng mắc về tài nguyên - môi trường, tạo động lực cho Hà Tĩnh phát triển

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (22/12), Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc với Sở TN&MT Hà Tĩnh về công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và các nội dung liên quan đến tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai để thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn.

Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, lãn đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh báo cáo 6 vấn đề hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc gồm: Công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 1980; việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân bị chồng lấn, gây tranh chấp đất đai; việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án; việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền tại các địa phương; vướng mắc trong vấn đề khoáng sản và môi trường.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành trình bày các nội dung liên quan tại buổi làm việc.

Theo đó, sau 1 năm thực hiện Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 quy định về điều kiện, hạn mức và trình tự, thủ tục công nhận lại diện tích đất ở cho các thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 18/12/1980, mới chỉ có 2,2% trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các nguyên nhân được xác định như người dân không đăng ký nhu cầu, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong tuyên truyền, phổ biến nên tỉ lệ kê khai đạt thấp; địa phương không thực hiện việc “lấy ý kiến những người sử dụng đất cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất tại khu dân cư” đối với trường hợp xin công nhận lại; ngành tài nguyên thiếu sâu sát, chậm tiếp thu các kiến nghị xử lý vướng mắc của địa phương khi thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Bản chất của vấn đề đất trước 1980 là tổ chức thực hiện, cấp cơ sở không quyết tâm làm. Do vậy, cần quán triệt nhận thức đến người thực hiện, tránh lợi dụng, gắn trách nhiệm…

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 1980, hiện Sở TN&MT và các địa phương đã có các thay đổi như giao trách nhiệm xác định nhu cầu cho UBND cấp xã, giao chỉ tiêu cam kết, hỗ trợ người dân trong việc kê khai, tiếp thu, xem xét, tham mưu sửa đổi Quyết định 2443…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Sâu xa của các vấn đề là công tác cải cách hành chính. Do vậy, ngành TN&MT cần phải chú trọng nội dụng này.

Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án, đặc biệt là dự án mới được đồng ý về nguyên tắc, quan điểm nhưng chưa chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa giao đất, cho thuê đất như Khu đô thị Nam cầu Phủ, đô thị Hàm Nghi, dự án Crystal Bay TP Hà Tĩnh…

Về vấn đề này, Sở TN&MT đề xuất các giải pháp như tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định; theo dõi, đôn đốc, lập bảng tiến độ để làm cơ sở đôn đốc; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Sở TN&MT cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp liên quan đến 6 vấn đề quan trọng còn vướng mắc...

Tham gia góp ý các vấn đề liên quan, các đại biểu cho rằng phải rõ thẩm quyền thực hiện đối với các trường hợp, tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân trong việc công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 1980. Chọn một số vụ việc điển hình để xử lý đối với tranh chấp đất lâm nghiệp…

Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất cần nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu số về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng đây là nội dung lớn, khó nên cần phát huy trách nhiệm và trí tuệ tập thể để giải quyết.

Đặc biệt, phải xem việc tháo gỡ các vướng mắc về tài nguyên và môi trường để khai thác tiềm năng lợi thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định phát triển; là yếu tố quan trọng trong hoàn thành các mục tiêu đại hội và là tiền đề cho nhiệm kỳ tới.

Hiện các “nút thắt” về lĩnh vực này đã được nhận diện, do vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, việc quan trọng nhất là phải hành động. “Phải mạnh dạn làm bằng trách nhiệm và trí tuệ tập thể. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh bàn kỹ với tinh thần “chiến đấu”, làm đúng pháp luật, gắn trách nhiệm để tháo gỡ các khó khăn…” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói