Thầy giáo quê Hà Tĩnh tái hiện khoảnh khắc lịch sử bằng phấn

(Baohatinh.vn) - Chỉ với phấn màu, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã thực hiện thành công bức họa “Khí thế hào hùng 30/4", tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Hướng về Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (SN 1983, quê thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn) - giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) đã thể hiện thành công bức họa “Khí thế hào hùng 30/4” bằng phấn màu trên nền bảng xanh.

Bức họa “Khí thế hào hùng 30/4” được thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh vẽ bằng phấn màu trên nền bảng xanh.

Tái hiện khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975, bức họa bằng phấn màu của thầy Nguyễn Trí Hạnh khắc họa hình ảnh chiếc xe tăng hiên ngang phá cánh cổng sắt Dinh Độc Lập. Trong khung cảnh ấy, nổi bật lên là những chiến sĩ giải phóng quân tay nắm chắc vũ khí, ánh mắt kiên định tiến vào bên trong Dinh Độc Lập. Trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được một chiến sĩ giương cao đầy tự hào và kiêu hãnh. Phía dưới, dòng chữ "Bắc - Nam một nhà 30/4/1975 - 30/4/2025" như một lời khẳng định về sự thống nhất non sông, độc lập dân tộc.

Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh chia sẻ: “Cảm nhận sâu sắc không khí tưng bừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa khắp mọi miền, tôi đã ấp ủ mong muốn thể hiện niềm vui theo một cách riêng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định dùng chính khả năng hội họa của mình để tái hiện lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 tại cổng Dinh Độc Lập. Khi vẽ về đề tài lịch sử, tôi càng thêm tự hào về bố - cựu chiến binh Nguyễn Bá Phúc (SN 1951) là một người lính từng tham gia chiến đấu chống lại giặc Mỹ xâm lược".

Nhiều kênh truyền thông, báo chí trên khắp cả nước đã đăng tải hình ảnh, lan tỏa tinh thần của bức họa "Khí thế hào hùng 30/4".

Bằng sự khéo léo và tâm huyết của một giáo viên Mỹ thuật, thầy Hạnh đã sử dụng chất liệu quen thuộc là phấn màu trên bảng xanh để tạo nên bức tranh vừa sống động, cuốn hút, vừa tái hiện chân thực khí thế hào hùng của lịch sử. Tác phẩm này được thầy thực hiện ngoài giờ lên lớp tại phòng chức năng của nhà trường trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 11/4.

Chia sẻ về lý do chọn vẽ tranh bằng phấn, thầy Hạnh cho biết: “Tôi lựa chọn phấn để vẽ tranh vì đây là vật dụng thân thuộc, gắn bó với nghề giáo. Vì thế, khi được vẽ tranh bằng phấn trên nền bảng xanh, tôi thấy tác phẩm của mình sẽ thêm phần ý nghĩa. Đây cũng như một sự tiếp nối tự nhiên giữa việc truyền đạt kiến thức và khát vọng thể hiện cái đẹp của tôi”.

Bức họa "Giỗ tổ Hùng Vương" được thầy Hạnh dành nhiều tâm huyết để hoàn thành.

Sau khi hoàn thành, bức họa bằng phấn màu "Khí thế hào hùng 30/4" của thầy Hạnh đã nhận được sự yêu mến và những lời khen ngợi chân thành từ học sinh, đồng nghiệp. Khi được chia sẻ trên mạng xã hội, tác phẩm này còn lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tán thưởng lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều kênh truyền thông, báo chí trên khắp cả nước cũng đã góp phần đưa hình ảnh bức họa độc đáo này đến với đông đảo công chúng. Sự lan tỏa mạnh mẽ trên không gian mạng đã minh chứng tác phẩm đã chạm đến trái tim của nhiều người Việt, khơi gợi niềm tự hào và những ký ức sâu sắc về một thời kỳ lịch sử vẻ vang.

“Tôi hy vọng tác phẩm này sẽ lan tỏa tinh thần yêu nước và truyền cảm hứng đến các em học sinh cũng như người dân. Đồng thời, đây cũng là cách tôi bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người anh hùng đã không tiếc tuổi xuân, chiến đấu cho nền độc lập và tự do của dân tộc” – thầy Hạnh bày tỏ.

Bức họa về quê hương được thầy Hạnh lấy cảm hứng từ cảnh vật ở quê nhà Hương Sơn.

Ngoài bức họa "Khí thế hào hùng 30/4" đầy ý nghĩa, thầy Nguyễn Trí Hạnh cũng đã sáng tạo nên khoảng 500 tác phẩm vẽ bằng phấn màu. Nhiều bức họa trong số đó được thầy lấy nguồn cảm hứng từ chính mảnh đất Hương Sơn. Đó là vẻ đẹp của núi Nầm, nét dịu dàng của dòng Ngàn Phố, khung cảnh thanh bình, đậm đà bản sắc làng quê của những cánh đồng hay cả hình ảnh xúc động về liệt sỹ Hồ Thị Cúc (quê xã Sơn Bằng) thời thanh xuân...

Hình ảnh Liệt sỹ Hồ Thị Cúc được thầy Hạnh thực hiện sống động bằng phấn màu.

Thầy Hạnh chia sẻ: "Quê hương đã vun đắp nên tâm hồn và tình yêu nghệ thuật trong tôi. Vẽ về Hương Sơn không chỉ là vẽ lại cảnh vật mà còn là vẽ những ký ức, những tình cảm sâu nặng với gia đình, với xóm làng. Trong mỗi bức họa phấn màu, tôi gửi gắm cả tấm lòng của một người con xa quê luôn hướng về cội nguồn, trân trọng những giá trị văn hóa, tinh thần mà quê hương đã trao tặng.”

Tròn 20 năm gắn bó với bục giảng và hơn 4 năm vẽ tranh bằng phấn, ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong thầy Hạnh vẫn luôn rực cháy. Với thầy, phấn không chỉ là công cụ hỗ trợ giảng dạy mà còn là người bạn tâm giao trên hành trình sáng tạo. Mỗi viên phấn là một thế giới màu sắc và chiếc bảng trở thành trang giấy đặc biệt để thầy gửi gắm những cảm xúc, những ý tưởng nghệ thuật. Với thầy, hành trình sáng tạo những bức tranh phấn màu sẽ không dừng lại mà thầy sẽ tiếp tục thử nghiệm những cách vẽ mới nhằm mang đến những tác phẩm độc đáo, ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh và cộng đồng.

Video: Thầy Hạnh thực hiện vẽ bức tranh phấn màu "Khí thế hào hùng 30/4" (Video do nhân vật cung cấp).

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói