Siêu trăng là sự trùng hợp khi Mặt trăng đi vào điểm cận địa (gần Trái đất nhất) đúng thời điểm trăng tròn. Tối 14/11, Mặt trăng sẽ cách Trái đất 356.536 km. Đây là lần Mặt trăng đến gần Trái đất nhất trong 68 năm qua và gần hơn 48 km so với lần trước đó vào năm 1948. Đến 25/11/2034 người yêu thiên văn mới lại thấy hiện tượng này.
Tại Việt Nam, thời điểm cận địa của Mặt trăng là 18h30, còn điểm Trăng tròn là 20h52 ngày 14/11, người xem có thể quan sát hiện tượng từ 19h đến nửa đêm.
Năm 2012, người Việt Nam từng chiêm chiêm ngưỡng hiện tượng mặt trăng tới gần địa cầu nhất trong năm. Ảnh: Ngọc Thành. |
Các Hội thiên văn ở Hà Nội và Đà Nẵng sẽ tổ chức quan sát hiện tượng siêu trăng lớn nhất thế kỷ trên. Chuyên gia khí tượng cũng cho biết thời tiết cả nước, quang mây, khá thuận lợi.
Ở Hà Nội, Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát bằng kính chuyên dụng tại Cột đồng hồ - Đối diện cổng sân vận động Mỹ Đình. Thời gian từ 19h30 đến 21h30. Còn Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng sẽ tập trung từ lúc 19h tại Sân thể chất đại học Đà Nẵng, 62 Ngô Sĩ Liên.
Vào lúc này, đĩa sáng Mặt trăng có đường kính lớn hơn thời điểm xa Trái đất nhất khoảng 14% và độ sáng mạnh hơn khoảng 30%. Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn trẻ, thực tế so với lần trăng tròn thông thường, Siêu trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%.
"Trong lần siêu trăng tối 14/11 cũng vậy. Đường kính biểu kiến của Mặt trăng trên bầu trời chỉ lớn hơn khoảng 7% và sáng hơn 14%, bằng mắt thường khó nhận ra sự khác biệt", ông Sơn nói.
Nhiều người cho rằng, sự kiện trăng tròn trùng với vị trí cận điểm sẽ ảnh hưởng tới các kiểu khí hậu trên trái đất. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học phủ nhận điều này. Giới khoa học khẳng định, siêu trăng sẽ không gây ra các sự kiện địa chất nào, nó chỉ tạo nên một số khác biệt với sự lên xuống của thuỷ triều. Nếu nó cộng hưởng với điều kiện thời tiết nào đó, thì có thể "sẽ gây ra vài vấn đề" ở những vùng ven biển.