Tình hình cung - cầu đường: Dự báo căng thẳng!

Giá đường trong nước đang có xu hướng tăng, dự báo tiếp tục diễn biến căng thẳng trong niên vụ 2016-2017 do nguồn cung đường thế giới thiếu hụt, sản lượng đường trong nước hạn chế.

Giá đường trong nước đang có xu hướng tăng

Tổ chức Đường thế giới (ISO) dự báo, tình hình cung cầu đường trên thế giới niên vụ 2016 - 2017 sẽ căng thẳng; giá đường diễn biến theo chiều hướng tăng đến khoảng giữa năm 2017.

Theo ISO, ước tính sản lượng đường trên thế giới niên vụ 2016 - 2017 đạt khoảng 168,010 triệu tấn, tăng 2,170 triệu tấn so với niên vụ 2015 - 2016; nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới niên vụ 2016 - 2017 vào khoảng 175,058 triệu tấn, tăng 2,02% so niên vụ 2015 - 2016. Như vậy, niên vụ 2016/2017, dự báo thế giới thiếu hụt khoảng 7,048 triệu tấn đường. Hiện giá đường thế giới đang tăng, giá đường trắng giao kỳ hạn tại thị trường London (Anh) đã ở mức xấp xỉ 600 USD/tấn.

Trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin, giá bán buôn đường kính trắng tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 9/2016 từ 15.200 - 15.300 đồng/kg, đến đầu tháng 10 đã tăng lên 16.400 - 16.600 đồng/kg; tại Hà Nội đầu tháng 9 giá từ 15.000 - 15.600 đồng/kg, đầu tháng 10 tăng lên 16.800 - 17.100 đồng/kg. So với tháng 8/2016, giá bán buôn đường kính trắng trên toàn quốc trong tháng 9 đã tăng bình quân từ 500 - 1.000 đồng/kg, giá đường tinh luyện tăng bình quân 200 đồng/kg.

Niên vụ mía đường 2016-2017 đã đi vào sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nguồn cung khoảng 1.870.000 tấn, trong đó, tồn kho chuyển vụ là 231.000 tấn; sản xuất trong nước khoảng 1.520.000 tấn (800.000 tấn đường tinh luyện); nhập khẩu năm 2017 khoảng 119.000 tấn (bao gồm 89.000 tấn theo cam kết WTO và 30.000 tấn nhập từ Lào).

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, kế hoạch sản xuất 1,52 triệu tấn đường của các nhà máy niên vụ 2016 - 2017 chỉ có thể coi là ở mức kỳ vọng bởi đến nay, chưa có cơ sở nào khẳng định sản lượng mía niên vụ 2016-2017 sẽ tăng hơn vụ trước. Đặc biệt, vụ mía đường 2016-2017, dự báo tỷ lệ diện tích mía bị chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn cao hơn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến cả sản lượng và chất lượng mía nguyên liệu. Trong khi đó, giá thành sản xuất đường Việt Nam vẫn cao, năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ ngành đường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Sản lượng đường sản xuất trong nước chưa có cơ sở khẳng định không bị sụt giảm so với vụ trước, nguồn cung đường trên thế giới và trong nước căng thẳng tất yếu sẽ kéo theo giá đường biến động bởi đường là mặt hàng thiết yếu đối với nhiều ngành sản xuất và tiêu dùng.

Để góp phần đáp ứng đủ nhu cầu đường cho tiêu thụ trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến nghị các địa phương và các nhà máy đường cần phải có sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển vùng mía nguyên liệu để tăng năng suất và chất lượng mía tối thiểu khoảng 10% so với hiện nay. Các nhà máy đường phải đánh giá lại khả năng cung cấp nguyên liệu để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp, xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân để ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đường trong niên vụ 2016-2017 và những năm tiếp theo.

Để bổ sung kịp thời nguồn cung đường khi thiếu hụt, đồng thời giúp các bộ, ngành có liên quan chủ động hơn trong công tác điều hành cung cầu đường, các thương nhân chủ động kế hoạch nhập khẩu đường phục vụ cho sản sản xuất và tiêu dùng trong nước niên vụ 2016 - 2017. Ngoài ra, từ kết quả thí điểm đấu giá thành công quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, ngày 4/10/2016, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành cơ chế chính thức và cho thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 ngay trong quý I/2017.

Tính đến 15/9/2016, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 168.490 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.190 tấn.

Theo Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói