Trải qua hành trình 190 năm hình thành và phát triển với nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay, đã có một Hà Tĩnh thực sự nổi bật lên với sự trưởng thành về mọi mặt. Phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên và bền bỉ phấn đấu, tỉnh Hà Tĩnh đang sẵn sàng cho những kế hoạch phát triển mới. Hòa chung niềm vui 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã chia sẻ với Báo Hà Tĩnh về những kế hoạch mà tỉnh đang nỗ lực triển khai.
P.V: Nhìn lại hành trình 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã khẳng định vị trí của mình như thế nào, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831 là bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh. Chặng đường lịch sử vẻ vang 190 năm của tỉnh ta trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến những giai đoạn phát triển sau này. Thế nhưng, dù ở thời điểm nào, người dân Hà Tĩnh luôn phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, gắn bó, sống nghĩa tình, thủy chung; lao động cần cù, sáng tạo; văn hóa; hiếu học, tôn sư trọng đạo. Từng mang danh là vùng đất nghèo khó, “phên dậu”, “chảo lửa túi mưa” chúng ta vẫn luôn được nhắc nhớ với những điểm sáng đáng mừng: là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), là tỉnh được chọn làm chỗ “đứng chân” của dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam, là tỉnh luôn đứng tốp đầu cả nước về tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia mỗi năm… Đặc biệt, trong hành trình 30 năm trở về với tên gọi thân thương của mình, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tôi sẽ không nói nhiều đến con số mà khái quát chung nhất về thành quả ấy.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí trong đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu APPAREL TECH Hà Tĩnh ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Ảnh: Thu Hà.
Đó là, quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng dần được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại. Công nghiệp có bước đột phá, tăng trưởng nhanh, trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế. Thương mại, dịch vụ và du lịch từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cùng với công nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. QP-AN được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường…
P.V: Tiếp nối mạch nguồn quý giá của hành trình 190 năm, đồng chí có thể thông tin về những đường hướng phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Với rất nhiều quyết tâm và nỗ lực, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trước đó, Hà Tĩnh và Bắc Giang là 2 tỉnh đầu tiên cả nước được Hội đồng thẩm định Trung ương tổ chức thẩm định thông qua Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch). Đây là bước quan trọng cuối cùng để hoàn thiện báo cáo Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; là kết quả của sự nghiên cứu căn cứ vào thực tiễn và những hoạch định chiến lược từ khối óc và trái tim của cả hệ thống chính trị để Hà Tĩnh có một “kim chỉ nam” phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra khu quy hoạch khu du lịch thương mại Thiên Cầm (Cẩm Xuyên). Ảnh: Thanh Hoài
Theo đó, quy hoạch hướng đến mục tiêu: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, yếu tố con người, KH&CN và đổi mới sáng tạo để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, bền vững môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đảm bảo QP-AN; trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Các mục tiêu đến năm 2030 cũng được xác định cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51%; dịch vụ chiếm 42%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 14 - 15%/năm...
Quy hoạch tỉnh cũng vạch ra các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm: bốn ngành kinh tế trọng điểm (công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch); ba trung tâm đô thị (trung tâm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh; trung tâm đô thị phía Bắc là TX Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng và các vùng phụ cận); ba hành lang kinh tế (hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và quốc lộ ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ TX Hồng Lĩnh đến KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh); một trung tâm động lực tăng trưởng (KKT Vũng Áng) và bốn nền tảng chính (nguồn lực và văn hóa con người; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch).
P.V: Chúng ta phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về việc thực hiện nhiệm vụ lớn và đặc biệt quan trọng này?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã đánh giá xây dựng NTM là một trong những thành công nổi bật của Hà Tĩnh. Tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025. Được “chọn mặt gửi vàng”, tiên phong trong việc xây dựng tỉnh NTM của toàn quốc là điều rất đỗi tự hào của chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh. Chúng ta xem đây là một cơ hội để khẳng định ý chí, quyết tâm vươn lên của vùng đất khó và cũng là động lực để thúc đẩy phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Phúc Quang.
Để triển khai hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án với mục tiêu: Phát triển vùng nông thôn đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo QP-AN, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, liên kết vùng thuận lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ số. Tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp của làng quê, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Tĩnh được công nhận tỉnh đạt chuẩn NTM. Để làm được điều đó, Hà Tĩnh đang dành sự quan tâm đặc biệt để phấn đấu 100% huyện, xã sớm đạt chuẩn NTM; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo đồng bộ, kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh”…
Nghi Xuân - huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Tĩnh.
P.V: Những “con đường lớn” của hành trình phát triển mới đã được gọi tên. Để có những bước đi vững chắc, Hà Tĩnh sẽ làm gì thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Kế thừa và phát huy nền tảng quý báu là truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương cùng tinh thần vươn tới, vượt lên trong mọi hoàn cảnh, ở hành trình mới này, Hà Tĩnh xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở bám sát 5 chương trình trọng điểm, 3 đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra, chỉ đạo thu hoạch lúa vụ xuân 2021. Ảnh: Thanh Hoài
Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Củng cố, tăng cường QP-AN; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển.
Đặc biệt, đối với nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, Hà Tĩnh đã có kế hoạch cho 3 lĩnh vực công nghiệp; nông nghiệp và kinh tế nông thôn; du lịch, thương mại, dịch vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Đình Lệ (SN 1941), thương binh 1/4 ở xã Lộc Yên, Hương Khê. Ảnh: Dương Chiến
Trong bối cảnh hiện nay, 1 nhiệm vụ bao trùm đang được Hà Tĩnh triển khai là kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh đại dịch có thể còn kéo dài. Tỉnh ta luôn đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết. Đồng thời, chủ động, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển KT-XH.
P.V: Mở “cánh cửa” tương lai với nhiều kỳ vọng, quyết tâm và tin tưởng là điều chúng tôi cảm nhận được trong những chia sẻ của đồng chí. Dẫu sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng có niềm tin phía trước là “hoa hồng”. Đồng chí muốn gửi gắm gì trong dịp tỉnh nhà đón sự kiện trọng đại này?
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Đúng vậy! Dù sẽ còn nhiều khó khăn cùng những biến động trong phát triển không ngừng nhưng tôi tin rằng, ở hoàn cảnh nào, Hà Tĩnh cũng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành quả quan trọng.
Đã có rất nhiều dẫn chứng chứng minh rằng, gian khó bao nhiêu - quyết tâm càng lớn bấy nhiêu. Và cũng chính từ nguy nan, tinh thần của người Hà Tĩnh được tỏa sáng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi nhắc lại điều này để khẳng định sự quyết tâm và tin tưởng vào sự thành công trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải dự lễ khánh thành nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ thôn Phúc Xá, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ. Ảnh: Thu Hà.
Có thể nhiều vấn đề mang tính chiến lược sẽ không dễ để hiểu rõ, nhưng chúng ta cần hiểu và tin tưởng điều quan trọng nhất rằng: đích đến của mọi con đường phát triển đều vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Vì vậy, tôi cũng mong muốn rằng, hơn 1,3 triệu người dân Hà Tĩnh cùng hòa chung một nhịp, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
ẢNh: nhóm P.v
thiết kế: Thành nam