Với các đội tuyển tham dự AFF Cup 2018, biệt danh của họ có thể bắt nguồn từ một biểu tượng mang tính quốc gia hoặc lấy cảm hứng từ các cổ động viên thậm chí là một loài động vật mà hầu như không có mối liên kết gì với đất nước của họ.
Những tên gọi này được báo chí quốc tế sử dụng rộng rãi trong rất nhiều trường hợp.
Việt Nam – The Golden Stars (Những ngôi sao vàng)
Tuyển Việt Nam có biệt danh là "Những ngôi sao vàng" - Ảnh: AFF
Biểu tượng xuất hiện trên lá quốc kỳ và trên cả logo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam chính là ngôi sao vàng. Nhờ biểu tượng này mà đội tuyển Việt Nam được biết đến với tên gọi "The Golden Stars".
Campuchia – Angkor Warriors (Những chiến binh Angkor)
"Những chiến binh Angkor" là biệt danh của tuyển Campuchia - Ảnh: AFF
Logo rất tỉ mỉ của Campuchia là một trong những hình ảnh bắt mắt nhất của bóng đá thế giới. Nó là hình ảnh tái hiện ngôi đền Angkor Wat đầy tự hào của quốc gia này.
Không có gì quá bất ngờ khi biệt danh của đội tuyển xuất phát từ địa danh nổi tiếng, đi cùng với từ "chiến binh" nhằm ám chỉ tinh thần chiến đấu của đội tuyển Campuchia.
Lào – Thimsad (Tuyển quốc gia)
Thimsad là cách gọi khác của tuyển Lào - Ảnh: AFF
Một số biệt danh của tuyển quốc gia nổi tiếng thế giới lại mang ý nghĩa rất đơn giản. Đội tuyển Lào từ trước đến nay vẫn chỉ có một tên gọi quen thuộc là "Thimsad", nghĩa là "tuyển quốc gia".
Điều này tương tự như tuyển Đức với biệt danh Die Mannschaft nổi tiếng.
Indonesia – Garuda/Merah Putih (Kim sí điểu/đỏ và trắng)
Các cầu thủ Indonesia mang biệt danh của loài chim huyền thoại - Ảnh: AFF
Indonesia là một trong số ít đội tuyển quốc gia có nhiều hơn 1 biệt danh. Đầu tiên, Merah Putih có ý nghĩa đơn giản là "đỏ và trắng", hai màu sắc trên quốc kỳ và cũng là màu bộ áo quần thi đấu truyền thống của Indonesia.
Cái tên còn lại: Garuda là tên một loài chim huyền thoại. Hay được biết đến ở Việt Nam với tên gọi Kim sí điểu, loài chim này xuất hiện trên biểu tượng của tuyển Indonesia.
Malaysia – Harimau Malaya (Mãnh Hổ Mã Lai)
Hổ trở thành "nickname" của tuyển Malaysia - Ảnh: AFF
Hổ Mã Lai là loài động vật oai nghiêm chỉ được tìm thấy ở bán đảo Mã Lai và một số vùng phía nam Thái Lan. Hiện tại, loài hổ này đang trong tình trạng báo động khi ước tính chỉ còn khoảng 250 đến 340 con.
Ở Malaysia, loài hổ này được biết đến bằng tên gọi Marimau. Đội tuyển quốc gia này ban đầu có tên gọi là Marimau Malaysia (Mãnh hổ Malaysia), cho đến khi được đổi thành Harimau Malaya (Mãnh hổ Mã Lai) hồi năm ngoái.
Myanmar – The Asian Lions (Sư tử châu Á)
Trong khi đó, Sư tử lại trở thành biệt hiệu của Myanmar - Ảnh: AFF
Sư tử là biểu tượng uy quyền, được xem là thần hộ mệnh của Myanmar và thường xuất hiện trước cổng nhiều ngôi chùa trên khắp đất nước.
Ngoài ra, vào giai đoạn từ 1960 đến 1975 chứng kiến sự vượt trội của bóng đá Myanmar khi họ về nhì tại Asian Cup 1968, giành quyền dự Olympic 1972 và hai lần giành huy chương vàng liên tiếp tại Asiad 1966 và 1970.
Những năm đó, Myanmar được ví như "vua sư tử" của châu Á.
Singapore – The Lions (Những chú sư tử)
Sư tử cũng là biệt danh của tuyển Singapore - Ảnh: AFF
Thật ra chưa có chứng cứ cụ thể nào khẳng định sư tử từng sinh sống ở Singapore. Thế nhưng loài vật vẫn là một biểu tượng uy quyền của đất nước. Bản thân tên gọi "Singapore" có nguồn gốc từ hai chữ "Singa" (sư tử) và "pura" (thành phố) kết hợp lại.
Truyền thuyết kể lại rằng vào thế kỷ thứ 13, một vị hoàng tử từ Palembang đến vùng đất này và gặp một con sư tử. Từ đó ông ở lại đây và đặt tên vùng đất là Singapura để vinh danh loài vật này.
Philippines – The Azkals
Philippines có biệt danh là Azkals - Ảnh: AFF
Biệt danh của tuyển Philippines được coi là phổ biến nhất trong số các đội bóng ở Đông Nam Á. Tên gọi "Azkals" được cho là xuất phát từ một nhóm cổ động viên sống trên con phố có tên "Calle Azul" cách đây hơn một thập kỷ.
Azkal có nét giống với từ "askal", nghĩa là chó hoang theo tiếng Tagalog. Dù được cho rằng cách gọi như thế ám chỉ việc tuyển Philippines đang là đội bóng yếu ở thời điểm đó nhưng cho đến nay, sau khi đã có những bước tiến vượt bậc, họ vẫn trung thành với biệt danh này.
Thái Lan – The War Elephants (Những chú voi chiến)
Voi chiến là biệt danh của tuyển Thái Lan - đội bóng osos 1 khu vực - Ảnh: AFF
Tương tự như Malaysia, Thái Lan sử dụng hình ảnh một loài vật đặc trưng của đất nước và cũng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, đó chính là loài voi. Năm ngoái, một cuộc thi sáng tác logo mới cho đội tuyển quốc gia được tổ chức, không có nhiều bất ngờ khi 5 thí sinh cuối cùng của cuộc thi đều sử dụng hình ảnh liên quan đến loài voi.
Những chú voi chiến vốn đã là tên gọi lâu đời của tuyển Thái Lan bởi nó thể hiện sự kính trọng với loài vật được chọn là biểu tượng chính thức của quốc gia này.
Timor Leste – O Sol Nascente (Hừng đông)
Đông Timor có biệt danh nghe rất lãng mạn- Ảnh: AFF
Đông Timor là một trong hai nước ở Đông Nam Á sử dụng tiếng Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ chính. Tên gọi "Hừng đông" nhắc đến thời điểm bình minh và hoàng hôn rực rỡ trên những bãi biển cát trắng và dòng nước xanh như ngọc bao bọc đất nước.