Tỷ phú Elon Musk “nhảy vào” cuộc đua Internet vệ tinh tại Đông Nam Á

Cuộc đua chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á giữa các công ty cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh hứa hẹn sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới, sau khi Starlink của SpaceX do tỷ phú Elon Musk điều hành sẽ xuất hiện tại Philippines.

Vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX

Tham vọng triển khai mở rộng dịch vụ của SpaceX

Sau khi được cấp phép hoạt động tại Philippines, Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX cũng có kế hoạch mở rộng dịch vụ sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam vào năm 2023.

“Starlink đã được chính phủ Philippines chấp thuận”, tỷ phú Elon Musk đã tweet ngay sau khi cơ quan quản lý viễn thông Philippines phê duyệt dịch vụ Internet vệ tinh của ông vào hồi cuối tháng 5. Vị tỷ phú bày tỏ sự phấn khích khi Starlink sẽ được triển khai trong vòng vài tháng tới.

Người sáng lập SpaceX, tỷ phú Elon Musk phát biểu trên màn hình trong Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

So với những nơi khác, Đông Nam Á được đánh giá là một trong số các khu vực nghèo của châu Á và tốc độ Internet chưa thực sự cao. Việc Starlink xuất hiện sẽ giúp người dùng trải nghiệm mạng nhanh hơn hiện tại.

Internet dựa trên vệ tinh mang lại lợi thế rõ ràng tại khu vực địa lý có nhiều biển đảo như khu vực Đông Nam Á. Chỉ riêng Philippines đã có hơn 7.000 đảo lớn nhỏ, Indonesia là hơn 16.000. Nhiều hòn đảo xa xôi và các khu vực bên ngoài các thành phố lớn không có đủ truy cập Internet, mạng vệ tinh là cách tiếp cận dễ dàng hơn so với cáp quang biển

Các vệ tinh cũng cải thiện trải nghiệm Internet cho khách hàng. Dịch vụ của Starlink có tốc độ tải (download) từ 100 - 200 Mb/giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ thông thường trong khu vực. Có được điều này là do vệ tinh Starlink có quỹ đạo thấp, chỉ từ 500 km đến 2.000 km, so với gần 36.000 km của vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh.

Người dân Đông Nam Á cũng dành nhiều thời gian trực tuyến. Theo công ty nghiên cứu WeAreSocial , thời lượng sử dụng Internet trung bình hàng ngày tại Philippines là hơn 10 tiếng, 8,5 tiếng tại Indonesia, cao hơn mức trung bình thế giới (7 tiếng).

Theo Speedtest , tốc độ tải xuống với mạng di động tại Indonesia là 17,96 Mb/giây (đứng thứ 100) và Philippines với 19,45 Mb/giây (đứng thứ 95) trong tổng số 142 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cuộc đua chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á

Philippines là một trong những quốc gia ủng hộ Internet vệ tinh khi tích cực thu hút các nhà cung cấp dịch vụ Internet, từng bước hoàn chỉnh hành lang pháp lý để các công ty nước ngoài tham gia thị trường dễ dàng hơn.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt Starlink, ông Ramon Lopez, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Philippine cho biết: “Hệ thống Internet vệ tinh Starlink của SpaceX giúp tăng cường cũng như nâng cao tốc độ băng thông hiện có. Điều này sẽ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy học trực tuyến, thương mại điện tử và tài chính công nghệ”.

Trước một thị trường tiềm năng như Philippine, các công ty khác cũng không chịu ngồi yên. Tập đoàn viễn thông khổng lồ PLDT của Philippines cho biết đã thử nghiệm thành công kết nối băng thông rộng tốc độ cao trên quỹ đạo đầu tiên của Philippines vào tháng 2 bằng vệ tinh Telesat của Canada. Vệ tinh này cũng có quỹ đạo thấp tương tự như của Starlink.

Ngoài ra, một nhà cung cấp Internet khác là Globe Telecom cũng đã ký bản ghi nhớ cung cấp dịch vụ tại Philippines với nhà điều hành vệ tinh AST SpaceMobile của Mỹ.

Trong khi đó, tập đoàn Sky Perfect JSAT của Nhật đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Philippines với dịch vụ được sử dụng để giám sát từ xa các turbine điện gió ở miền bắc nước này. Công ty khởi nghiệp Kacific trụ sở tại Singapore ký thoả thuận vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 50 triệu USD để triển khai một dự án vệ tinh truyền thông.

Chi phí trở thành trở ngại khi triển khai Internet vệ tinh

Một trong những thách thức của Internet vệ tinh là chi phí cao. Giá dịch vụ Starlink cơ bản gồm 500 USD cho phần cứng và 99 USD cước thuê bao hàng tháng. Theo CNBC , đến tháng 5/2022, Starlink có hơn 400.000 thuê bao trên toàn cầu nhưng giá cước dịch vụ vẫn không giảm mà lại tăng nhẹ. Cuối năm 2020, Starlink chỉ có hơn 10.000 thuê bao tại thị trường Bắc Mỹ sử dụng dịch vụ với giá 99 USD/tháng.

Tại Philippines, Starlink cung cấp các gói có giá 110 USD hoặc 500 USD một tháng. Trong khi đó, một số gói cước tại Philippines chỉ khoảng 300 peso (5,67 USD) hoặc thấp hơn cho 24 GB dữ liệu trong 30 ngày.

Do đó, Internet vệ tinh dự kiến ​​sẽ được sử dụng ban đầu bởi các công ty ở các vùng xa cũng như các cơ quan chính phủ, quân đội và các phương tiện truyền thông như một phương tiện dự phòng khẩn cấp. Những dịch vụ như vậy có thể sẽ được mở rộng đến người dân khi trên thị trường có thêm các nhà cung ứng dịch vụ.

Tại Việt Nam, năm ngoái website SpaceX cũng thông báo mục tiêu phủ sóng tại một số khu vực vào năm 2023. Đồng thời, website của Starlink cũng cho phép người dùng đặt cọc 99 USD (2,3 triệu đồng) để giữ chỗ sử dụng dịch vụ và có thể nhận lại nếu đổi ý. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh của Starlink hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào khác tại Việt Nam đều sẽ chịu điều chỉnh bởi Luật Viễn thông và các cam kết quốc tế (WTO, CPTPP ...) và cần được cấp phép.

Starlink là hệ thống Internet vệ tinh từ ngoài không gian do SpaceX phát triển, với việc phóng ít nhất 2.400 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái đất để truyền kết nối Internet băng thông rộng xuống mặt đất. Để có thể kết nối Internet, người dùng cần có thiết bị đầu cuối hoặc chảo Starlink của SpaceX. Tốc độ kết nối của hệ thống này có thể lên tới 1Gb cho mỗi người đăng ký.

Hiện Starlink đang cung cấp dịch vụ Internet cho 33 quốc gia. Starlink là kế hoạch đầy tham vọng của SpaceX để phủ sóng Internet trên toàn cầu. Theo ước tính của Elon Musk, dự án thành công có thể mang lại 30 tỷ USD doanh thu hàng năm cho SpaceX.

Theo Mekongasean

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói