Những kẻ “chơi xấu” nơi công sở

(Baohatinh.vn) - Trong khi nhiều công sở chăm lo xây dựng môi trường làm việc văn minh thì cũng không ít công sở vẫn tồn tại những “đấu trường” ngầm. Ở đó, có những nhân viên sẵn sàng bày trò để hãm hại đồng nghiệp…

Trong môi trường công sở hay cả bên ngoài xã hội, chuyện “chơi xấu” thường xuyên xảy ra khi “đối thủ” cảm thấy bị đe dọa ở một phương diện nào đó hoặc có khi chỉ vì ghét. Những cuộc tranh đua thường diễn ra ngấm ngầm chứ không ồn ào, lộ liễu, thế nhưng cũng đủ khiến nạn nhân căng thẳng, khó hòa nhập với công việc.

Cho đến bây giờ, Quỳnh Thương (nhân viên dịch vụ của một nhãn hàng) vẫn chưa quên những ngày đầu mới vào làm việc. Tưởng như may mắn đã mỉm cười khi ở bộ phận của cô, có chị L.H tỏ ra rất nhiệt tình và chủ động hướng dẫn cô.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngay ngày hôm sau, bộ mặt thật của chị đồng nghiệp đã lộ diện khi chị “giúp đỡ” Thương trình lên sếp một bảng báo giá vô lý khiến cô bị la mắng. Chưa hết, những ngày tháng làm việc sau đó, bà chị kia còn bày đủ trò để bôi nhọ nhân cách, đạo đức của Thương khiến cô suốt ngày phải đối mặt với rất nhiều tình huống khó xử… May mắn một thời gian sau, công ty có điều chuyển nhân sự, Quỳnh Thương được chuyển sang một bộ phận khác vừa gần nhà, vừa may mắn thoát được đồng nghiệp khó ưa kia.

Những kẻ “chơi xấu” nơi công sở

Để đối phó với những kẻ" chơi xấu" nơi công sở, mỗi người cần phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác và làm việc cẩn thận, tỉ mỉ

Câu chuyện của Thùy Minh khá tương tự khi gặp Hương - cháu sếp tổng, là “gián điệp” chuyên đi mách lẻo chuyện công ty tới tai sếp. Với vẻ ngoài xinh xắn, giọng nói dễ nghe, làm việc năng nổ, nhiệt tình, Hương nhanh chóng được lòng tất cả mọi người khi cô vào làm việc. Thế nhưng, từ khi Hương xuất hiện, mọi việc to nhỏ của công ty đều đến tai sếp tổng. Có lần Thùy Minh buột miệng nhận xét bộ váy sếp mặc không đẹp cũng bị sếp “nói khéo”. Chưa kể, nhiều lần nhóm của Minh lên ý tưởng về dự án mới cũng bị Hương nghe trộm rồi nẫng mất. Khi trưởng nhóm đem chuyện hỏi ngay cô nhân viên oái oăm kia thì chỉ nhận được vẻ mặt vô tội, ngây thơ như không biết gì. Kể từ đấy, ai cũng dè chừng, dần dần Hương bị cô lập, không chịu nổi áp lực và tự động viết đơn xin thôi việc.

Có vô vàn chiêu thức, mưu kế để hãm hại đồng nghiệp ở môi trường công sở. Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng phổ biến nhất là để lấy lòng sếp, cạnh tranh doanh số, leo lên vị trí cao hơn... Nhiều chuyên gia cho rằng, để đối phó với tình huống này, mỗi người cần phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác và làm việc cẩn thận, tỉ mỉ.

Hơn nữa, cá nhân mỗi người cũng đừng tìm cách “ăn miếng trả miếng” để biến mình thành kẻ xấu xa như họ mà tự nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm, chính xác để sếp biết được năng lực thực sự của mình. Cuối cùng, những kẻ khó ưa cũng sẽ bị nhận rõ và đào thải. Vậy nên, đừng quá bi quan khi rơi vào hoàn cảnh oái oăm mà hãy nỗ lực để chứng tỏ khả năng của bản thân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast