.........
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới… là những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay trong những bước khởi động cho nhiệm kỳ mới, những nhiệm vụ này đã được triển khai quyết liệt.
Trên nền tảng kết quả vững chắc, nổi bật trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), Hà Tĩnh tập trung cao trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành để xây dựng đề án đảm bảo thuyết phục, mang tính khả thi cao, được Chính phủ phê duyệt vào ngày 16/12/2020. Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, ngày 15/7/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề - Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”.
Chủ tịch UBND Võ Trọng Hải cùng lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp xuống đồng kiểm tra năng suất lúa vụ xuân 2021.
Nghị quyết đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc thực hiện đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM với những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Trong đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, trọng tâm là quan tâm phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp để đáp ứng yêu cầu đạt thu nhập bình quân tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để có tối thiểu 40 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 10 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Cùng đó là kêu gọi đầu tư, nâng cấp hạ tầng KT-XH như: giao thông, thủy lợi, môi trường... Đây là những “mắt xích” quan trọng để kết nối, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân - mục tiêu cốt lõi của xây dựng tỉnh NTM.
Video: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nói về mục tiêu, giải pháp trọng tâm đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”.
Đường về xã NTM nâng cao Tượng Sơn (Thạch Hà).
Xây dựng NTM cũng chính là nội dung trọng tâm được nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện và cấp cơ sở xây dựng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đều đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM; Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà… đặt mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao. Ngay sau đại hội, cấp ủy nhiều địa phương từ huyện đến thôn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Ông Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng Nghi Xuân trở thành huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch, sớm trở thành đô thị trực thuộc tỉnh”. Để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa, đồng thời tập trung cao thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành cơ bản các tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu và các tiêu chí đô thị loại IV”.
Hà Tĩnh ngày càng có nhiều mô hình, trang trại sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cho hiệu quả kinh tế cao (ảnh 1). Đặc sản nhung hươu Hương Sơn đạt chuẩn OCOP 4 sao, được chế biến thành nhiều sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng (ảnh 2). Đặc sản bưởi Phúc Trạch (ảnh 3). Nhân dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) phá bờ thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (ảnh 4).
Quá trình thực hiện đề án xây dựng tỉnh NTM và các huyện, xã đạt NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều có sự tập trung cao cho tiêu chí phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp. Bước đột phá trên đồng ruộng trong năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp là nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải tạo, tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đi cùng với nghị quyết, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm ưu tiên cao về nguồn lực và tập trung chỉ đạo quyết liệt cho công tác chuyển đổi ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn. Từ vụ xuân 2021, các địa phương có điều kiện địa hình đồng ruộng khá bằng phẳng như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh… đã thực hiện sản xuất theo mô hình phá bỏ bờ vùng, bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 2.600 ha.
Nhân dân xã Thuần Thiện (Can Lộc) phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn.
Can Lộc là địa phương đi đầu trong chuyển đổi ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/HU ngày 20/8/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Đặng Trần Phong - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, để nghị quyết đi vào cuộc sống, Can Lộc đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn, hướng dẫn. Tại cơ sở, 18/18 đảng bộ xã, thị trấn đã ban hành nghị quyết, đề án và chính sách để thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện đồng bộ, tập trung, đảm bảo tính thống nhất từ huyện đến các cấp thôn/xóm. Trong năm qua, toàn huyện Can Lộc đã phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi ruộng đất, gắn với tập trung ruộng đất sản xuất với diện tích 993 ha.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng để hiện thực hóa chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang” làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Hà Tĩnh.
Một góc cảng Vũng Áng.
“Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện các đợt tiếp xúc, kêu gọi, kết nối, làm việc, xúc tiến dự án đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong xây dựng phát triển tổ hợp công nghiệp ô tô, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái, du lịch biển” - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Việt Hà cho hay. Những cuộc gặp gỡ, làm việc chính thức hay “bên hành lang” được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương khai thác triệt để. Nhờ đó, một số nhà đầu tư lớn đã trực tiếp đến Hà Tĩnh khảo sát, tìm hiểu đầu tư như: Công ty cổ phần Tập đoàn TH khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án tại Vũ Quang; Tập đoàn VSIP nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại huyện Can Lộc và TX Hồng Lĩnh; Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng và nghiên cứu đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh; Công ty cổ phần Vịnh Nha Trang khảo sát đầu tư khu đô thị du lịch, sân golf Kỳ Nam và khu đô thị Xuân Hồng; Tập đoàn Tân Cơ và LNG Centra (Hoa Kỳ) nghiên cứu đầu tư trung tâm nhập khẩu và phân phối khí LNG...
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I.
Ông Phan Xuân Hiệu, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng (Ban Quản lý KKT tỉnh) cho biết, để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp vào đầu tư tại KKT Vũng Áng cũng như các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập tổ công tác do Ban Quản lý KKT tỉnh là cơ quan thường trực cùng các sở, ngành liên quan. Nhiệm vụ của tổ công tác là hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB. “Hiện tổ công tác đang hỗ trợ, tư vấn về hồ sơ, thủ tục cho Tập đoàn Vingroup triển khai dự án Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast tại KKT Vũng Áng và nghiên cứu đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh. Quy trình, thủ tục và thời gian thực hiện được rút ngắn và thuận lợi hơn rất nhiều cho các nhà đầu tư” - ông Hiệu cho hay.
Video: Ông Phan Xuân Hiệu - Phó Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng (BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh) nói về công tác hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án
Bốc dỡ hàng container tại Cảng quốc tế Lào - Việt.
Ông Đặng Văn Thành - Bí thư Thị ủy Kỳ Anh cho biết, nằm trong KKT Vũng Áng, để thu hút, giữ chân nhà đầu tư, thị xã phải thực hiện 2 nhiệm vụ rất quan trọng là: GPMB và đảm bảo an ninh trật tự. Đây cũng là nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX Kỳ Anh nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, TX Kỳ Anh đã ban hành Nghị quyết 03 (NQ 03-NQ/Thu ngày 30/3/2021) về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bồi thường, GPMB. Thực hiện nghị quyết, thị xã đã thành lập các tổ công tác theo từng dự án để tuyên truyền, vận động cho người dân thấy rõ những lợi ích khi có dự án, nhà máy vào đầu tư trên địa bàn. Nhờ đó, công tác GPMB đã và đang tích cực được triển khai quyết liệt. Một số dự án trọng điểm đã được bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư”.
Video: Ông Đặng Văn Thành - Bí thư Thị uỷ thị xã Kỳ Anh nói về công tác GPMB, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn
Toàn cảnh hồ Ngàn Trươi - công trình thủy lợi đa mục tiêu.
Chủ tịch Tập đoàn TH cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Vũ Quang (ngày 22/1/2021).
Cùng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư, các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, thương mại, công nghiệp... cũng đã triển khai sớm các giải pháp thu hút đầu tư. Bà Nguyễn Thị Hà Tân - Bí thư Huyện ủy Vũ Quang cho biết, để thực hiện mục tiêu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là “khai thác lợi thế Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi; huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, thương mại; xây dựng thị trấn Vũ Quang theo hướng đô thị sinh thái”, ngay sau đại hội, huyện đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đặc biệt, Tập đoàn TH đã có chuyến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn và làm việc chính thức với huyện để triển khai các bước tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và chủ đầu tư cắt băng khánh thành Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản An Vạn Phát, tại KKT Vũng Áng (tháng 3/2021).
Cùng đó, các doanh nghiệp đã khởi công 3 dự án kinh doanh hạ tầng CCN (tại Can Lộc, TX Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ) với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Việt Hà, những con số khả quan trong thu hút đầu tư là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, vào cuộc đồng bộ và được “tiếp lửa” bằng những hành động, việc làm cụ thể trong điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ mới”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định tăng cường thu hút đầu tư, nâng tỉ lệ lấp đầy các khu, CCN; xây dựng KKT Vũng Áng thực sự trở thành KKT đa chức năng; phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột kinh tế quan trọng. Trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch bệnh, các bước đi hiện thực hóa mục tiêu này vẫn được tiến hành khá mạnh mẽ cùng khát vọng hình thành một trung tâm logitics tại KKT Vũng Áng để kéo theo các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp phụ trợ cũng như các CCN trên địa bàn tỉnh phát triển.
Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (ngày 14/1/2021).
Đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đã có chuyến tham quan, làm việc tại Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và ký “Biên bản ghi nhớ” hợp tác về việc khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương. Ngay sau biên bản ghi nhớ được ký kết, đã có 12 chuyến container qua cảng Vũng Áng được thực hiện đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh cho biết, ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 1734/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỷ lệ 1/500. Các đề án, chương trình, chính sách được ban hành tạo động lực mới trong kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng.
Khu vực quy hoạch Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng có quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32 ha nằm trên địa bàn xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Video: Ông Nguyễn Thăng Long - Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ Hồng Lĩnh nói về việc triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ TX Hồng Lĩnh trong thu hút đầu tư vào các cụm CN
TX Hồng Lĩnh - đô thị hạt nhân phía Bắc của tỉnh đang trở nên sôi động với nhiều dự án phát triển công nghiệp nhẹ đi vào hoạt động trong năm qua. Đến nay, TX Hồng Lĩnh đã có hơn 60 doanh nghiệp và 610 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động.
Ông Nguyễn Thăng Long - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hồng Lĩnh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX Hồng Lĩnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển các CCN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp về trên địa bàn là một trong ba khâu đột phá. Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, TX Hồng Lĩnh đã xây dựng chuyên đề “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN, thành lập thêm ít nhất 2 CCN; đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp”.
Thực hiện chuyên đề này, TX Hồng Lĩnh đã kêu gọi nhà đầu tư và thực hiện xây dựng hạ tầng 2 CCN (Cổng Khánh 1 và Trung Lương), nâng tổng số CCN trên địa bàn hiện nay lên 4 CCN.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải thăm nhà máy Haivina Hồng Lĩnh.
Những bước đi chiến lược được khởi động và đạt nhiều kết quả mới từ đầu nhiệm kỳ đã và đang góp phần quan trọng giữ nhịp phát triển kinh tế tỉnh nhà trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời tạo thêm động lực mới, khí thế mới để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
(Còn nữa)