Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân
Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân
Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Sinh ra và lớn lên ở làng Thông Lưu, vùng quê nghèo của xã Thường Nga (Can Lộc), năm 1967, khi đang học cấp 3, Phan Duy Đường trúng tuyển vào bộ đội, đúng vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất.

Để ngăn chặn tuyến vận tải đường biển, đường sông của miền Bắc tiếp viện nhân tài và vật lực cho chiến trường miền Nam, những năm 1968 - 1972, giặc Mỹ đã “rải” xuống vùng sông Lam - Bến Thủy - Cửa Hội hàng vạn quả bom từ trường. Giai đoạn này, Phan Duy Đường là tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 37 Công binh, Quân khu 4, được cấp trên giao làm tổ trưởng tổ trinh sát, phối hợp với bộ đội hải quân rà phá bom để mở luồng an toàn cho tuyến vận tải. Khi phá được quả bom từ trường thứ 37 của địch, tổ của anh gặp phải một quả bom Model 3, loại bom từ trường mới được Mỹ cải tiến và thả xuống vùng biển miền Bắc nước ta. Loại bom này có tính sát thương mạnh, độ nhạy cao nên rất nguy hiểm đối với công binh trong quá trình tháo gỡ.

Trước tình huống bất ngờ này, không quản ngại hy sinh, Phan Duy Đường và một chiến sỹ bên hải quân đã xung phong làm nhiệm vụ. Trước khi bước vào “trận đánh sinh tử”, đơn vị đã tiến hành làm lễ tuyên thệ cảm tử cho các anh. Một “cuộc chiến” không cân sức diễn ra âm thầm nhưng vô cùng căng thẳng. Một bên là quả bom từ trường đen trũi, lạ lẫm về tính năng, cấu tạo với sức công phá cực lớn và một bên là hai chiến sỹ công binh với dụng cụ tác nghiệp thô sơ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Thời gian chậm chạp trôi trên mặt đồng hồ của người chỉ huy, trong hồi hộp, lo lắng của các đồng đội. Và 2 tiếng đồng hồ im ắng trôi qua, những con ốc cuối cùng đã được tháo ra khỏi ngòi nổ một cách an toàn. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về các anh. Quả bom Model 3 đã bị vô hiệu hóa. Trong tiếng hò reo vang dậy, người chỉ huy và các đồng đội đã ào đến ôm chầm lấy những người anh hùng với những giọt nước mắt mừng vui.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Ảnh minh họa

Sau khi được tháo gỡ an toàn, quả bom được chuyển ngay ra Bộ Quốc phòng, được chuyên gia quân sự Việt Nam, Liên Xô sử dụng nghiên cứu và làm tài liệu giảng dạy trong nhà trường cho binh chủng công binh của ta và bạn. Cũng từ đây, bom Model 3 không còn đáng sợ trên tuyến đường vận tải biển của ta như trước nữa.

Sau chiến công này, Phan Duy Đường đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh vào năm 1972 cùng nhiều danh hiệu vẻ vang khác.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Năm 1977, Phan Duy Đường rời quân ngũ, chuyển ngành về công tác tại UBND huyện Can Lộc. Với tâm niệm, là người lính Cụ Hồ thì dù ở cương vị công tác nào cũng phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu và bắt nhịp rất nhanh với vai trò mới. Từ một cán bộ văn phòng, chỉ 6 năm sau, anh được đề bạt giữ chức Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND huyện. Từ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, tháng 11/1999 đến tháng 3/2009, anh là Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh, giữ chức Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Can Lộc.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Đồng chí Phạm Thế Duyệt khi đang là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN bắt tay khen ngợi Bí thư Huyện ủy huyện Can Lộc - Phan Duy Đường tại hội nghị tổng kết “Xóa nhà tranh tre dột nát” toàn quốc. Ảnh tư liệu

Đồng chí Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh kể lại: Năm 2001, thực hiện các nghị quyết về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tập trung xây dựng NTM của Tỉnh ủy và chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về “Xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách”, Can Lộc triển khai khá bài bản, đạt kết quả rất tốt. Ngày 19/5/2003, Can Lộc công bố hoàn thành xóa nhà tranh tre dột nát gắn với ngói hóa nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đạt 99,7%. Đặc biệt, huyện có sáng kiến cấp bằng chứng nhận và có bộ sưu tập gần 3.000 bức ảnh đối chứng giữa nhà cũ và nhà mới rất sinh động. Tại hội nghị tổng kết “Xóa nhà tranh tre dột nát” ở Hà Nội, sau báo cáo về kết quả và kinh nghiệm của Can Lộc, cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã xuống bắt tay đồng chí Báu và đồng chí Đường. Sau đó, đồng chí Phan Duy Đường còn được mời dự hội thảo về các chủ đề trên tại các địa phương như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình”. Sau thành công của chương trình “Xóa đói giảm nghèo và ngói hóa nhà ở”, Can Lộc tiếp tục triển khai các chương trình “Nước sạch, vệ sinh môi trường trong gia đình, nhà trường và cộng đồng” và “Chuyển đổi, sử dụng ruộng đất giai đoạn 2” do đồng chí Phan Duy Đường đề xuất, được tỉnh đồng tình. Can Lộc đã cùng Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo tại xã Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên) và triển khai thực hiện rất hiệu quả.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Đồng chí Phan Duy Đường với tấm giấy khen của Đảng bộ xã Thường Nga về thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2021”.

“Nhờ sâu sát cơ sở, bám sát vào dân, tâm huyết với phong trào... cùng với cách làm việc dân chủ, tự tin, năng động, sáng tạo và quyết đoán, có khả năng tác động và nuôi dưỡng phong trào nên đồng chí Phan Duy Đường được cán bộ và Nhân dân yêu mến, tin tưởng”.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu

Đồng chí Đặng Duy Báu khẳng định: “Nhờ sâu sát cơ sở, bám sát vào dân, tâm huyết với phong trào... cùng với cách làm việc dân chủ, tự tin, năng động, sáng tạo và quyết đoán, có khả năng tác động và nuôi dưỡng phong trào nên đồng chí Đường được cán bộ và Nhân dân yêu mến, tin tưởng”.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Đồng chí Phan Duy Đường với vai trò Chủ tịch Hội khuyến học huyện Can Lộc tại lễ trao học bổng “Đất Hồng Lam” và “Tiếp bước cho em đến trường” năm học 2013 - 2014. Ảnh tư liệu

Với suy nghĩ “đất học, phải nêu cao đạo học”, tháng 4/2009, vừa nghỉ hưu được ít ngày, đồng chí Đường tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Không quản tuổi tác, bệnh tật của một thương binh, đồng chí rong ruổi vào Nam ra Bắc gặp gỡ các hội đồng hương, con em quê hương thành đạt vận động gây quỹ khuyến học cho quê nhà. Nhờ đó, hội có nguồn quỹ đến 5 tỷ đồng, dẫn đầu cả tỉnh. Hằng năm, hội phát thưởng cho hơn 1.500 đối tượng là học sinh nghèo vượt khó học giỏi và những tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động khuyến học, khuyến tài. Can Lộc là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức thành công hội thảo cấp xã về xây dựng dòng họ hiếu học, tạo sức lan tỏa trên toàn huyện. 3 năm liền, hội được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua; năm 2011, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Các đồng chí lãnh đạo huyện Can Lộc trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho đồng chí Phan Duy Đường.

Nói về CCB, cựu Bí thư Huyện ủy Phan Duy Đường, các đồng chí lãnh đạo xã Thường Nga cảm nhận: Hầu như các công trình hạ tầng của xã đều có công đóng góp của anh Đường. Để giúp xã nghèo như Thường Nga theo kịp được các địa phương khác, anh đã dày công kết nối với anh em, bạn bè có vị trí xã hội, có điều kiện kinh tế giúp đỡ về kinh phí xây dựng các công trình như: đường liên thôn, cầu dân sinh, xây dựng hội quán, dự án nước sạch cho khu dân cư mới thành lập… Hằng năm, vào các dịp lễ tết, anh vận động các nhà hảo tâm và tự bỏ kinh phí tặng hàng chục suất quà cho các đối tượng chính sách.

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Đồng chí Phan Duy Đường cùng Chủ tịch UBND xã Thường Nga - Đường Hồng Lam lần dở những kỷ niệm khó quên về thành công của các chương trình “Nước sạch, về sinh môi trường trong gia đình, nhà trường và cộng đồng” và “Chuyển đổi sử dụng ruộng đất giai đoạn 2” .

Phan Duy Đường - từ người lính phá bom dũng cảm đến Bí thư Huyện ủy vì dân

Đồng chí Phan Duy Trọng - Bí thư Chi bộ thôn Trà Liên (xã Thường Nga) giới thiệu với tác giả (áo trắng) về nhà văn hóa và sân bóng chuyền của thôn - một trong những công trình có sự đóng góp rất hiệu quả của đồng chí Phan Duy Đường (ngoài cùng bên trái) sau những ngày về hưu tại địa phương.

Anh Đường thường tâm sự với bạn bè: “Tấm gương đạo đức Bác Hồ có thể gói gọn trong 8 chữ: cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư. Mỗi người cố gắng học tập và vận dụng sao cho thiết thực theo điều kiện cụ thể của mình. Là người CCB, tôi hiểu rõ sự cần thiết phải hy sinh cho cách mạng; là một cựu lãnh đạo, tôi càng thấm thía ơn nghĩa của dân và cần được đáp đền. Còn một ngày trên cõi đời này, tôi sẽ cố gắng học tập và làm theo thật tốt những lời dạy bảo của Bác Hồ”.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast