Xu hướng bán cầu thủ trẻ để kiếm lời trong bóng đá Anh

Việc Man City bán Cole Palmer hay Chelsea bán Mason Mount hè này cho thấy các tài năng từ đội trẻ giờ trở thành nguồn thu nhập, chứ không phải là nền tảng để xây dựng CLB ở Ngoại hạng Anh.

Làm thế nào để xây dựng một triều đại bóng đá? Trong nhiều thập kỷ, công thức bền vững và truyền thống là xây dựng một đội trẻ tài năng, chiêu mộ bổ sung các ngôi sao và có những trụ cột - những cầu thủ có tư chất thủ lĩnh và gắn bó lâu dài với CLB - đặt ra các tiêu chuẩn, giúp kiểm soát phòng thay đồ với HLV.

Những CLB vĩ đại của bóng đá châu Âu hầu như đều đặt nền móng từ hệ thống đào tạo trẻ - như Barca của Pep Guardiola, Milan của Arrigo Sacchi với nền tảng là các tiền vệ, hậu vệ dày dặn, Johan Cruyff và những đồng đội trưởng thành từ đội trẻ Ajax, hay Bayern Munich do Franz Beckenbauer dẫn dắt - đều tuân theo khuôn mẫu kể trên.

Điều tương tự cũng xảy ra tại bóng đá Anh, với “Thế hệ 92” của Man Utd hay Leeds của Don Revie - gồm những cầu thủ cùng trưởng thành từ học viện, gắn bó, cùng nhau phát triển, trưởng thành rồi gặt hái thành công.

Xu hướng bán cầu thủ trẻ để kiếm lời trong bóng đá Anh

Man Utd, với thế hệ 1992 và những ngôi sao được mua về như Eric Cantona (đội mũ) và Roy Keane (phải), từng được xem là hình mẫu cho thành công nhờ xây dựng một tập thể mạnh từ các các tài năng học viện. Ảnh: Sky Sports

Liverpool của những năm 1970 và 1980 đã đi ngược lại xu hướng đó bằng việc tuyển mộ những tài năng ở giải hạng dưới, nhưng cũng có những cầu thủ địa phương như Tommy Smith, Phil Thompson hay Jimmy Case. Điểm mạnh của Nottingham Forest dưới trướng Brian Clough nằm ở kỹ năng tuyển dụng của Peter Taylor, nhưng cầu thủ chủ chốt lại là John Robertson, người nhập đội ở tuổi 17. Tương tự, Chelsea trong kỷ nguyên Abramovich cũng thành công với John Terry - trung vệ về đầu quân từ năm 15 tuổi.

Nhưng công thức trên dường như không còn đúng trong bóng đá ngày nay . Nếu ở vào thời hiện tại, rất có thể những viên ngọc thô như David Beckham, Paul Scholes hay John Terry sẽ bị bán từ rất lâu trước khi họ đạt đến đỉnh cao. Các đội trẻ giờ đây trở thành nguồn thu nhập chứ không phải là nền tảng để xây dựng CLB, một dấu hiệu cho thấy bóng đá đang trở thành một ngành kinh doanh lớn hơn là một nỗ lực thể thao, cộng đồng.

Tại vòng bốn Ngoại hạng Anh, Cameron Archer ghi bàn đầu tiên cho Sheffield United trước Everton, Billy Gilmour làm nhiệm vụ kết nối tuyến giữa Brighton, Lewis Hall dự bị trong màu áo Newcastle, còn Cole Palmer đá 38 phút cuối trận Chelsea thua Nottingham Forest 0-1 trên sân nhà.

Điểm chung của những cái tên vừa nêu là việc họ đều thuộc diện lúa non bị đem bán ngay khi được giá. Mới mùa trước, Archer còn là viên ngọc quý của đội trẻ Aston Villa. Gilmour từng được kỳ vọng trở thành Andres Iniesta của Chelsea. Hall - gia nhập Chelsea từ năm 8 tuổi - là cầu thủ hay nhất mùa trước của học viện. Palmer lên đội một Man City mùa trước, và mới đây còn được xem là sự bổ sung chất lượng cho tuyến giữa nhà ĐKVĐ, khi ghi bàn ở cả trận Siêu Cup Anh và Siêu Cup châu Âu.

Xu hướng bán cầu thủ trẻ để kiếm lời trong bóng đá Anh

Palmer (áo xanh) ra mắt cùng Chelsea trong trận thua Nottingham Forest ngày 2/9, sau khi được mua về từ Man City. Ảnh: PA

Tiền là lý do cốt lõi khiến ngày càng ít có cầu thủ trẻ đi lên từ học viện rồi thăng hoa ở đội một của cùng một CLB. Theo Luật Công bằng Tài chính (FFP), những cầu thủ đi lên từ học viện được tính vào diện không mất phí tuyển mộ, nên tiền thu về khi bán họ sẽ là lợi nhuận ròng. Và khi FFP siết chặt lại nhiều quy định sau một thời gian nới lỏng vì Covid-19, cám dỗ từ khoản lợi nhuận ròng thu về khiến các CLB không còn đắn đo nhiều trước cơ hội kiếm lời từ những tài năng học viện.

Gilmour - người Chelsea chi 625.000 USD phí phát triển để rước về từ Rangers khi mới 16 tuổi - được tính là lợi nhuận thuần túy khi Chelsea bán anh cho Brighton với giá 10 triệu USD hè năm ngoái. Palmer gia nhập học viện Man City khi mới 8 tuổi, nên không được tính phí tuyển mộ, và mang về khoản lợi nhuận ròng tới 50 triệu USD sau vụ chuyển nhượng sang Chelsea hè này.

Trên thực tế, một số CLB từ lâu đã sử dụng đội trẻ làm nơi để kiếm lợi nhuận. Man Utd trong những năm 1990 và 2000 đã bán những tài năng không nằm trong kế hoạch của Sir Alex Ferguson. Nhưng theo xu hướng mới nhất, ngay cả những cầu thủ học viện đã trưởng thành, trở thành trụ cột của đội một và được kỳ vọng sẽ trở thành huyền thoại cũng có thể bị đem bán. Từng được kỳ vọng sẽ gắn bó toàn bộ sự nghiệp đỉnh cao với Chelsea như các đàn anh John Terry hay Frank Lampard, nhưng Mason Mount vừa được bán sang Man Utd hè này với giá 76 triệu USD .

"Những cầu thủ như Mount từng giúp duy trì bản sắc của Chelsea. Nhưng trong thời nhà đầu tư nước ngoài sở hữu, tạo được tiếng vang với khán giả toàn cầu, mẫu cầu thủ địa phương như vậy trở nên thừa thãi", báo Anh Guardian bình luận.

Có lẽ chỉ có Arsenal, với Bukayo Saka được người hâm mộ yêu quý và Eddie Nketiah được Mikel Arteta tin tưởng trong vai trò tiền đạo dự bị, mới tuân theo phong cách làm bóng đá truyền thống.

Chelsea thu về 76 triệu USD từ việc bán Mount, tái đầu tư vào khoản chi hơn 1 tỷ USD chỉ sau một năm dưới quyền chủ sở hữu mới Todd Boehly cho những cầu thủ có mức lương rẻ và hợp đồng dài hạn hơn. Trước Mount, Chelsea đã bán những sản phẩm học viện khác là Ruben Loftus-Cheek, Ethan Ampadu và Callum Hudson-Odoi với tổng số tiền 125 triệu USD. Đây đều là những cầu thủ giàu tiềm năng, thuộc tập thể có chín lần vào chung kết, bảy lần vô địch FA Youth Cup trong 11 năm.

Xu hướng bán cầu thủ trẻ để kiếm lời trong bóng đá Anh

Mount (trái) là cái tên mới nhất trong nhóm sao trẻ trưởng thành từ học viện bị Chelsea bán đi, sau những Callum Hudson-Odoi, Tomori hay Tammy Abraham. Ảnh: Chelsea FC

Và Chelsea không phải ngoại lệ. Hè này, dù đã chia tay Fred, Man Utd dành phần lớn thời gian trong kỳ chuyển nhượng để rao bán Scott McTominay - tiền vệ phòng ngự đi lên từ học viện, với giá 50 triệu USD, nhưng bất thành. Cameron Archer tới Sheffield United với 22 triệu USD, trở thành cầu thủ Aston Villa vô địch Youth Cup 2021 tiếp theo rời đội, sau Aaron James Ramsey (sang Burnley) và Carney Chukwuemeka (sang Chelsea).

Ngoài 45 triệu USD từ Palmer, Man City thu về khoản tiền lớn từ việc bán những cầu thủ không có cơ hội cạnh tranh vị trí chính thức ở đội một. Năm ngoái, Southampton mất tổng cộng 48 triệu USD để mang về bộ tứ Gavin Bazunu, Juan Larios, Samuel Edozie và Romeo Lavia của Man City. Trong đó, Lavia gia nhập Chelsea với 63 triệu USD hè này, và 20% khoản tiền này sẽ thuộc về Man City.

Chủ sân Etihad còn thu về 24 triệu USD từ việc bán James Trafford - cầu thủ chưa từng chơi cho đội một - sang Burnley và chia tay Tommy Doyle, James McAtee theo hợp đồng cho mượn. Hiện hậu vệ Rico Lewis là sản phẩm của học viện duy nhất có thể theo chân Phil Foden trở thành trụ cột của đội một.

"Khi mọi thứ trong bóng đá đều có giá, những cầu thủ của tương lai lập tức sẽ trở thành tài sản có thể đem đi bán, kiếm lợi nhuận. Bất cứ ai muốn xây dựng triều đại bóng đá hiện đại sẽ phải trả tiền cho cầu thủ của đội khác, thay vì trọng dụng các tài năng cây nhà lá vườn", Guardian bình luận.

Theo VNE

Đọc thêm

Mbappe khởi kiện PSG

Mbappe khởi kiện PSG

Kylian Mbappe đệ đơn kiện Paris Saint-Germain vì chưa trả các khoản lương và thưởng, với tổng số tiền lên tới 100 triệu euro, cho cầu thủ này.