ảnh: Reuters |
Không mất nhiều thời gian để Man.City lại vượt lên dẫn đầu. Không đội nào trong lịch sử giải VĐQG Anh từng giành được 4 chức vô địch liên tiếp. Cái thống kê tưởng là vô bổ ấy hóa ra lại là động lực để đoàn quân của Pep Guardiola “máu lửa” ngay từ đầu. Giờ thì họ chẳng cần phải đá hay, chỉ cần lấy trọn 3 điểm và tốt nhất là trận nào cũng làm như vậy cho đến cuối mùa, là được.
Man.City cần bàn thắng ở phút 88 của Rodri để giành chiến thắng trước Sheffield United, nghe có vẻ khó nhọc và thiếu chút sức mạnh, nhưng vấn đề là Newcastle, đội đã để thua 10 người của Liverpool, có làm được không? Liệu Liverpool có thể không? Liệu Man.United, đội có khởi đầu nhọc nhằn làm được không? Và có lẽ quan trọng nhất là Arsenal, đội phung phí cơ hội trong trận hòa Fulham trên sân nhà, có làm được không?
Người ta nói mùa này giải ngoại hạng Anh không có khái niệm Big 6. Thay vào đó, có thể là Man.City + Big 8, tức là có rất nhiều đội bóng có tiềm năng… về nhì sau Man xanh. Đúng là Man.City vẫn chưa đạt phong độ tốt nhất trong mùa giải này, đúng là sự ra đi của Ilkay Gundogan, Riyad Mahrez và João Cancelo cùng chấn thương của Kevin De Bruyne đã khiến đội hình có vẻ hơi hụt hẫng. Đúng là hai trận sân khách của họ cho đến nay đều là gặp các đội mới thăng hạng. Nhưng hãy xem cách họ “vờn” Sheffield United. Mọi thứ khá thong thả, từ việc có bàn thắng mở tỷ số chậm rãi, cho đến khi bị gỡ hòa và phản ứng một cách quyết liệt để cuối cùng vẫn có trọn 3 điểm.
Sẽ có những người cho rằng thời điểm Rodri ghi bàn thắng chỉ là một khoảng khắc may mắn, với cú vung chân nhanh như cách người ta chơi game FIFA, nhưng hãy nhớ rằng Man.City tung ra 30 cú sút trong trận đấu thì rõ ràng chuyện họ ghi bàn lúc nào có lẽ chỉ là việc họ có muốn đưa bóng vào lưới hay không mà thôi. Thế nên, họ chỉ mất có 2 phút để đưa trận đấu về trong tay mình. Đóng hay mở cánh cửa hi vọng cho đối thủ của họ chỉ là trò chơi thì phải.
Hoàn toàn tương phản với Arsenal. Lần thứ 3 trong chín trận sân nhà gần nhất, Arsenal bị dẫn trước ngay phút đầu tiên. Nó không còn là sự trùng hợp được nữa, mà lộ rõ một sự thất bại về mặt tinh thần. Chúng ta có thể thấy điều đó ngay 3 trận đầu tiên mùa này dù Arsenal vẫn chưa thua trận nào. Họ thắng Nottingham Forest trên sân nhà 2-1 dù dẫn 2-0 từ trong 30 phút đầu trận nhưng để đối thủ đẩy vào trạng thái hoảng loạn 10 phút cuối. Họ thắng C.Palace 1-0 nhưng phải đá 30 phút cuối trận ở thế thiếu người. Trận với Fulham, họ dẫn 2-1 và đối phương mất người ở phút 83 nhưng lại bị gỡ hòa ở phút 87. Tất cả đều có mẫu số chung: Arsenal luôn tự đẩy mình vào thế khó, luôn bị vắt kiệt sức và chắc chắn, nó khác hẳn cái “chật vật” mà Man.City thể hiện. Man xanh có thể kết thúc mọi thứ theo ý họ, còn Arsenal phải nổ lực lắm mới đạt được mục tiêu. Đặt 2 đối thủ này trên một đường chạy dài, chúng ta dễ thấy ai sẽ đuối sức trước rồi đó.
Chưa hết, Man.City khó một chút thời gian đầu vì thực tế họ mất đi nhiều trụ cột, trong khi Arsenal mua sắm cho ồ ạt, giờ lại đang loay hoay về đội hình. Pep có thể biến bất lợi thành những phát kiến chiến thuật, Arteta có lẽ chưa đủ tầm nên ông ta cố gắng biến… các lợi điểm thành sự phúc tạp để rồi tìm cách giải quyết nó. Zinchenko 2 lần ra sân từ băng ghế dự bị, Partey bị đẩy sang cánh phải, Ben White phải di chuyển vào trung lộ thay cho Gabriel khiến Saliba sẽ hoạt động ở vị trí trung vệ lệch trái thay vì bên phải. Trong khi trục White-Saliba đá lệch phải là thế mạnh ở mùa giải trước.
Hàng tiền vệ với Declan Rice, Martin Ødegaard và Kai Havertz giàu chất tấn công nhưng chẳng ai giỏi về phòng ngự từ xa cả. Lối chơi đòi hỏi sự linh hoạt của Arteta đang áp dụng sẽ dẫn đến việc kiệt sức sớm cho dù họ không thiếu người. Chưa biết Arsenal có tấn công hay hơn mùa trước hay không, nhưng thực tế thì Man.City đã nói rõ: thắng mới quan trọng, đá đơn giản thôi.