Đưa khoa học công nghệ đến vùng khó khăn

(Baohatinh.vn) - Thực hiện một đề tài khoa học vốn đã khó, để chuyển giao, nhân rộng những kết quả tiến bộ đó vào cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều, đặc biệt, ở khu vực nông thôn, miền núi. Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi để đưa KHKT đến với khu vực nông thôn, miền núi, nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng.

Hiệu quả từ “chương trình nông thôn miền núi”

Thực hiện “chương trình nông thôn miền núi” - hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học & công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi của Bộ KH&CN giai đoạn 2000-2015, Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện 19 dự án, trong đó, có 6 dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, 4 dự án chăn nuôi, 4 dự án công nghệ sinh học và chế biến, 5 dự án trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Các dự án đã huy động trên 100 lượt cán bộ từ 25 tổ chức KH&CN từ T.Ư đến địa phương trong cả nước tham gia; đào tạo, tập huấn hàng ngàn lượt nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

Sau 15 năm thực hiện, “chương trình nông thôn miền núi” đã chuyển giao gần 100 quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, trong đó, có 2 quy trình đã được tư liệu hóa thành giáo trình đào tạo nghề (trồng hoa và sản xuất phân hữu cơ vi sinh) cho lao động nông thôn tại Hà Tĩnh; xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học… góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật được người dân nắm vững, mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa cao, như việc thụ phấn bổ sung và quản lý chỉ dẫn địa lý đối với bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đã góp phần ‘‘giải cứu’’ đặc sản bưởi Phúc Trạch thoát khỏi ‘‘tuyệt chủng’’, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường.

Đưa khoa học công nghệ đến vùng khó khăn ảnh 1

Nhiều mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao, nhưng quá trình nhân rộng, đưa vào sản xuất đại trà vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Sản phẩm mật ong Vũ Quang đã có nhãn mác và được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, sản lượng mật ong toàn huyện ước đạt 20-25 tấn/năm. Bên cạnh đó, đã chuyển giao thành công ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, đóng hộp sản phẩm rau, củ, quả tại Đức Thọ, chè Vũ Quang; chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, từng bước tạo thị trường cho sản phẩm KH&CN; chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác giống cây trồng, nấm, chế phẩm vi sinh...

Đổi mới chuyển giao KHKT

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng việc đưa KH&CN đến với nông thôn, miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, đề án phát triển nấm đã tạo được sự lan tỏa, nghề trồng nấm có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, với địa phương miền núi, dù có điều kiện thuận lợi, nhưng kết quả còn rất khiêm tốn. Cụ thể, đến nay, cả huyện Hương Khê chỉ có 4 mô hình sản xuất nấm, trong đó, 3 mô hình tự phát và được xây dựng trước khi có đề án, sau 2 năm, chỉ có thêm 1 mô hình mới. Còn ở Vũ Quang, sản lượng nấm toàn huyện năm 2014 chỉ đạt khoảng 10 tấn. Bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, thực hiện thành công nhưng chưa được nhân rộng.

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho rằng, ở khu vực nông thôn, miền núi, tư duy sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, người dân có tâm lý do dự, chần chừ trong việc áp dụng cái mới; còn nặng tư tưởng ỷ lại, phải có đầu tư, hỗ trợ mới thực hiện; không nắm bắt được các chính sách hỗ trợ; thụ động trong tiếp cận thị trường; nguồn vốn hạn chế; thiếu nhân lực đủ khả năng tiếp nhận KHKT…

Vì vậy, việc chuyển giao, nhân rộng KHKT đến các vùng khó khăn vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Theo Giám đốc Sở KH&CN, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác chuyển giao công nghệ; chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn từ chuyên gia đến nông dân; lựa chọn đơn vị chuyển giao có năng lực, kinh nghiệm và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyển giao và đơn vị chủ trì. Các dự án cũng cần được gắn với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, huy động thêm nguồn lực đối ứng và tổ chức sản xuất hiệu quả, xúc tiến thị trường cho các sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nguyễn Văn Trí cho biết, hoạt động KH&CN đang chủ yếu ở dạng mô hình trình diễn, nguồn kinh phí để tổ chức nhân rộng còn hạn chế. Để khoa học thực sự đến với nông thôn, miền núi, cần phải khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sản xuất nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững gắn với thị trường.

Đọc thêm

Diễn tập thực chiến về an toàn thông tin

Diễn tập thực chiến về an toàn thông tin

Diễn tập thực chiến đã góp phần nâng cao năng lực ứng phó và khôi phục nhanh nhất khi xảy ra sự cố về hệ thống thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin Hà Tĩnh.
YouTube sắp thay đổi mãi mãi

YouTube sắp thay đổi mãi mãi

YouTube đang muốn người dùng cuộn liên tục để xem video mới giống như TikTok. Nếu tính năng này được áp dụng, nền tảng này sẽ thay đổi hoàn toàn.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Apple sửa lỗi tính năng quan trọng

Apple sửa lỗi tính năng quan trọng

Apple đã cập nhật lại giao diện hoàn toàn mới cho ứng dụng Ảnh trên iOS 18, thay thế cho phiên bản cũ đã tồn tại nhiều năm.
Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Một nguyên mẫu iPhone được cho là phiên bản thử nghiệm tính năng nút cảm ứng, dùng logo biểu tượng Vesica Piscis thay quả táo.