Chung tay bảo tồn các giống cây đặc sản khi chưa muộn!

(Baohatinh.vn) - Tình trạng suy thoái nguồn gen quý đối với các giống cây trồng đang ở mức đáng báo động. Để duy trì, khai thác và phát triển các giống cây trồng đặc sản của Hà Tĩnh một cách hiệu quả, bền vững, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, ngành, địa phương là vô cùng cần thiết.

Những người làm việc tại cơ sở bảo tồn nhân giống cam bù Hương Sơn chủ yếu là nông dân trong khu vực, chưa được đào tạo về sản xuất giống.

Những người làm việc tại cơ sở bảo tồn nhân giống cam bù Hương Sơn chủ yếu là nông dân trong khu vực, chưa được đào tạo về sản xuất giống.

Giống đặc sản có dấu hiệu thoái hóa

Hà Tĩnh có nhiều đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, trong đó, có bưởi Phúc Trạch và cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây. Những giống đặc sản này đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cây ăn quả đặc biệt quý hiếm cần được bảo vệ nguồn gen. Thậm chí, bưởi Phúc Trạch là một trong số những cây cấm xuất khẩu giống ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân địa phương, đến nay, các giống cây này đã có sự thoái hóa, phân ly.

Ông Nguyễn Nhật Tân (Hương Trà) cho biết, bưởi Phúc Trạch đã có những dấu hiệu thoái hóa, nguồn cung cấp giống không ổn định, đặc biệt, bưởi không đạt chất lượng như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Phước (Hương Trạch) thì cho rằng, hiện tại, bưởi Phúc Trạch vẫn có chất lượng cao, nhưng không còn sự đồng đều, trong một vườn không phải cây nào cũng cho quả ngon và đẹp, thậm chí, cùng một cây vẫn có sự khác nhau về chất lượng. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng cây bưởi vẫn có nhiều sâu bệnh, tuổi thọ kém.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân của sự thoái hóa giống một phần là do quả bưởi đang có giá trị rất cao trên thị trường khiến nhiều người dân ồ ạt đầu tư trồng trong khi giống bưởi không có nhiều. Người cung cấp giống chiết cành từ cây mẹ, nếu để bán, ít ai chọn những cành đẹp mà chỉ chiết những cành già, cành thừa. Chính vì thế, cây con không có sức đề kháng cao trong khi thời tiết ở địa phương rất khắc nghiệt, dễ mắc sâu bệnh, chất lượng quả giảm. Việc thụ phấn với hoa bưởi chua cũng có thể là nguyên nhân khiến bưởi không đạt đến độ ngọt hoàn hảo như trước?

Tương tự, cam bù Hương Sơn cũng không nhận được nhiều sự mặn mà của người dân như trước đây. Diện tích vẫn tăng nhưng khá “ì ạch”. Cây cam bù được trồng đi, trồng lại qua nhiều thế hệ mà thiếu sự chọn lọc, phục tráng. Người dân lại canh tác theo kinh nghiệm, tập quán nên cây đã có dấu hiệu thoái hóa. Bên cạnh đó, bệnh vàng lá greening trên cam bù khiến nhiều người dân thất thu. Vòng đời của cây cam bù cũng ngày càng bị rút ngắn, chỉ sau khoảng 2-3 vụ thu hoạch, chất lượng giảm, quả nhỏ và chua.

Hạ tầng cơ sở bảo tồn, nhân giống cam bù Hương Sơn tại xã Sơn Lễ còn nhiều thiếu thốn

Hạ tầng cơ sở bảo tồn, nhân giống cam bù Hương Sơn tại xã Sơn Lễ còn nhiều thiếu thốn

Cơ sở bảo tồn, nhân giống chưa đáp ứng nhu cầu

Hiện tại, huyện Hương Khê đã xây dựng cơ sở bảo tồn, nhân giống bưởi Phúc Trạch (tại xã Phúc Trạch); huyện Hương Sơn có cơ sở bảo tồn giống cam bù (tại xã Sơn Lễ) nhưng hoạt động của các cơ sở này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân trên địa bàn.

Những ngày này, cơ sở bảo tồn, nhân giống cam bù Hương Sơn khá nhộn nhịp, công nhân đang tích cực làm đất, đóng bầu, gieo hạt chuẩn bị cho công tác nhân giống. Hoạt động thực tế của cơ sở là nhân giống bằng hình thức ghép nhưng phần lớn sản xuất giống cây cam chanh. Chị Nguyễn Thị Lan - cán bộ phụ trách (thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn) cho biết, thời điểm hiện tại, cơ sở đang phải tự vay vốn, ứng vật tư để sản xuất giống, cơ sở vật chất cũng đang thiếu thốn.

Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở chỉ có một nhà bảo vệ đang được sử dụng để chứa phân bón và 2 nhà lưới. Chị Lan cho biết thêm, mỗi nhà lưới có diện tích 200 m2, trong đó, có 200 cây cam bù và 100 cây cam chanh đầu dòng do Viện Nghiên cứu rau quả sản xuất dùng để lấy mắt ghép. Công tác bảo tồn giống của địa phương đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thời tiết khắc nghiệt, giống cây cam bù khó ghép, tỷ lệ thành công không cao. Trong năm 2014, cơ sở sản xuất được khoảng 1.500 cây giống cam bù.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn - Lê Quang Hồ cho biết, huyện đang tiến hành rà soát, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà lưới, nhà ở công nhân, làm đường… để sản xuất giống với số lượng lớn theo nhu cầu của người dân, dự kiến năm 2016 sẽ sản xuất khoảng 50.000 cây giống (cả cam bù và cam chanh). Huyện phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 4.200 ha cam các loại, trong đó, có 1.000 ha cam bù (hiện tại là 500 ha).

Cơ sở vật chất tại cơ sở bảo tồn, nhân giống bưởi Phúc Trạch được xây dựng khang trang hơn. Tuy nhiên, theo kế hoạch của UBND huyện Hương Khê, mỗi năm, tối thiểu phải trồng mới 300 ha bưởi Phúc Trạch, tương đương với 120.000 cây. Trong khi tại cơ sở, mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 15 – 20 nghìn cây giống. Tính ra, người dân đang thiếu khoảng… 100.000 cây giống đảm bảo chất lượng mỗi năm.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hương Khê - Đinh Hữu Tân cho biết: “Vấn đề đảm bảo giống cây bưởi Phúc Trạch để trồng mới 300 ha trong năm 2016 được nhiều đại biểu HĐND huyện quan tâm và chất vấn tại kỳ họp thứ 15 – HĐND huyện khóa XIX. Qua đó, HĐND huyện đã đề nghị UBND huyện rà soát, xác định chính xác diện tích đất trồng bưởi Phúc Trạch và cam các loại trên cơ sở đăng ký của các xã; giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ sở sản xuất giống để đảm bảo số lượng và chất lượng”.

Bên cạnh đó, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng. Cần tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng sản lượng tăng, giá thành giảm. Đồng thời, có chính sách hợp lý gìn giữ, phát huy hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi bản địa khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast