Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đồng chủ trì hội thảo.
Chương trình văn nghệ chào mừng hội thảo |
Tham dự hội thảo còn có gần 500 đại biểu, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước. Về phía Hà Tĩnh có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và lãnh đạo các sở, bàn, ngành.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học báo cáo đề dẫn, khẳng định hội thảo là sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du |
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định: Di sản mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, nhất là Truyện Kiều thể hiện sinh động chủ nghĩa nhân văn cao cả, lòng yêu thương, khát vọng giải phóng con người khỏi áp bức bất công, hướng tới tự do, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, thi ca, cốt cách con người Việt Nam. Hơn 200 năm qua, di sản vô giá Nguyễn Du đã không ngừng được nghiên cứu, khám phá trên nhiều phương diện khác nhau và lan tỏa với nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo |
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến những người lao động bình thường, người ta đọc Kiều, lẩy kiều, bói Kiều, ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó, không thể sống ác được, không thể không thương người, thương mình trong những lúc truân chuyên. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Qua tài năng trác việt của ông và qua qua thời gian, di sản ấy đã trở thành tinh hoa của nhân loại”.
Bài phát biểu cũng khẳng định, nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lí nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà là của nhiều thời. Đó không phải là vấn đề của cộng đồng, của quốc gia, của con người mà là của toàn nhân loại.
Tại hội thảo, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự khẳng định thêm những giá trị tốt đẹp của mảnh đất Hà Tĩnh, góp phần hun đúc nên cốt cách Nguyễn Du.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự phát biểu tại hội thảo |
Từ mạch nguồn văn phái Hồng Sơn, nối tiếp dòng văn Tiên Điền, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế những tác phẩm như: "Thanh Hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục", "Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu", "Thác lời trai phường nón"... Với trái tim nhân hậu, Tố Như đã nói về nỗi đau của những kiếp người, phê phán các thế lực phong kiến tàn bạo, ngợi ca tình yêu, và thể hiện niềm khao khát vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng.
“Hà Tĩnh – vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, được mệnh danh là nơi địa linh – nhân kiệt. Nhân dân Hà Tĩnh luôn cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, có tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, sống nhân nghĩa, thủy chung, đặc biệt rất hiếu học và có nhiều người học giỏi. Nơi đây hầu như thời kỳ nào cũng sản sinh ra những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân, chí sỹ lớn của đất nước” – Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự khẳng định.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, những năm qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực bứt phá, đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Cùng với các thành tựu kinh tế, Hà Tĩnh đã quan tâm đầu tư có chiều sâu các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Đến nay, Hà Tĩnh đã lập hồ sơ và được xếp hạng 2 di tích thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, hơn 350 di tích cấp tỉnh. Cùng với quan tâm và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt và di sản của Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh đang tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới của người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập văn hóa ngay trên mảnh đất của chính mình.
Tiến sỹ Nohira Munehiro (Nhật Bản) phân tích hành trình sáng tác các bài thơ của Nguyễn Du dựa trên bản đồ |
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước tham dự hội thảo |
Ngay sau phiên khai mạc, hội thảo được chia thành 2 tiểu ban thảo luận hai nội dung chính: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du – nhìn từ trong và ngoài quốc gia; Truyện Kiều – những phương thức diễn dịch và chuyển hóa.