CSGT Công an TP Hà Tĩnh kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Tĩnh)
10 điều được đại diện của Cục CSGT và Công an Hà Nội chia sẻ trong buổi phóng vấn trực tuyến trên VnExpress hôm 7/1.
-Thứ nhất, tại sao Luật yêu cầu nồng độ cồn không quá mức 0 (tức cấm người sử dụng rượu bia lái xe)?
Bộ Y tế khi trình Quốc hội Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã có báo cáo tác động xã hội (đặc biệt trong bối cảnh có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra). Quốc hội đã thông qua và không thể thay đổi.
-Thứ hai, ăn vải, uống siro có nồng độ cồn, CSGT có phạt không?
Thực tế là chưa có trường hợp nào ăn loại thức ăn, đồ uống này bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Nếu có ăn vải, uống loại thức uống như siro, vài chục phút nồng độ sẽ bay hết. Nếu bị CSGT thổi phạt, bạn có thể trình bày, khiếu nại và được test bằng máu.
-Thứ ba, uống rượu thuốc chữa đau lưng thì sao?
Bạn uống rồi đi xe cũng sẽ bị phạt vì rượu sẽ có cồn như rượu thông thường. Nếu phải uống loại rượu chữa bệnh tốt nhất bạn nên sử dụng phương tiện công cộng. Bạn yếu, đau lưng, nếu cố lái xe dù không có cồn vẫn sẽ rất nguy hiểm.
-Thứ tư, thiết bị thổi đo nồng độ cồn có đảm bảo vệ sinh?
Đảm bảo, vì mỗi người có một ống thổi. Nếu bạn không tin tưởng, CSGT sẽ cho bạn xem thao tác lấy ống mới ở túi.
-Thứ năm, bạn uống rượu bia xong dắt xe qua tổ công tác CSGT rồi về nhà thì sẽ không bị phạt vì bạn không điều khiển xe?
Nhưng nếu bạn đã đi xe rồi nhìn thấy CSGT mới dắt thì rất có thể bạn bị ghi hình và sẽ bị lập biên bản nếu cảnh sát gọi vào.
-Thứ sáu, bạn cố tình bỏ lại phương tiện nếu vi phạm nồng độ cồn vì mức phạt quá cao ?
Nếu phương tiện là ôtô, xe máy, CSGT sẽ lập biên bản với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, không phối hợp với người thi hành công vụ. Bạn sẽ bị phạt mức cao nhất của hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Nếu phương tiện là xe đạp giá trị thấp, CSGT sẽ tịch thu phương tiện đó và bán, nộp ngân sách nhà nước.
-Thứ bảy, bạn có thể mua thiết bị đo nồng độ cồn để test trước khi ra đường?
Hoàn toàn có thể, nhưng sẽ lãng phí tiền vì chính bản thân có thể biết tình trạng sức khoẻ của mình để quyết định có nên lái xe hay không.
-Thứ tám, ngoài CSGT, lực lượng nào được quyền xử phạt nồng độ cồn?
Cảnh sát cơ động, công an xã trong nhiều trường hợp cũng được phép phối hợp với CSGT để xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
-Thứ chín, có được phép ghi hình CSGT?
Bạn được phép ghi hình CSGT, tuy nhiên không nên cầm máy quay đưa sát mặt cảnh sát, điều đó có thể gây cản trở tổ công tác làm việc. Bạn có quyền giám sát cảnh sát, nhưng không có quyền kiểm tra hoặc yêu cầu cảnh sát phải làm theo bạn.
-Thứ mười, có thể khiếu nại nếu cảm thấy bị phạt sai?
Nếu bạn cảm thấy không vi phạm nồng độ cồn, bạn có thể viết đơn khiếu nại đến phòng CSGT. Một đơn vị riêng sẽ chịu trách nhiệm làm rõ hành vi của người vi phạm và cả quá trình làm việc của tổ công tác, từ đó phúc đáp cho bạn.