Jungle Marathon (Brazil) là giải chạy địa hình nổi tiếng, lấy địa điểm là một phần rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil. Trang Run Ultra (Anh) miêu tả cuộc đua này giống như một khóa học sinh tồn và là một trong những đường chạy nguy hiểm nhất thế giới. Các vận động viên phải chạy gần 300 km trong sáu giai đoạn, xuyên qua rừng nhiệt đới Amazon. Thông thường, người tham gia phải có một tuần “chiến đấu” với đầm lầy, lội qua sông và thích nghi với nhiệt độ lên đến 45 độ C và môi trường độ ẩm cao. Ảnh: jobbie crew. |
Giải chạy có các trạm kiểm soát nhỏ, cung cấp nước uống cho vận động viên. Mỗi người phải uống tới 12 lít nước/ngày. Cuộc đua này đòi hỏi người tham gia có thể lực tốt, kỹ năng sinh tồn cao. Vì tiêu tốn nhiều sức lực mà rất ít vận động viên có thể về đích ở giải Jungle Marathon Brazil. Ảnh: mobiefit. |
Không chỉ có địa hình rừng rậm nhiệt đới, rừng tuyết phủ trắng xóa cũng là nơi tổ chức chạy địa hình khó nhằn, điển hình là giải Yukon Arctic Ultra (Canada). Yukon Arctic Ultra được miêu tả là đường chạy lạnh nhất thế giới. Cuộc đua diễn ra bắt đầu ở Whitehorse, thuộc vùng Yukon (Canada) vào tháng 2 hàng năm. Vùng Yukon được biết đến là nơi có chủng tộc chó sói lớn nhất thế giới. Người tham gia giải chạy Yukon phải băng qua vùng hoang dã vào mùa đông. Quãng đường chinh phục được chia làm 3 cấp độ gồm 161 km, 483 km và 692 km. Ảnh: yukon arctic ultra. |
Một giải chạy địa hình khác thách thức các vận động viên trên thế giới là La Ultra 333 (Indian Himalayas). Đúng như tên gọi của giải, 333 km là quãng đường mà người tham gia phải chinh phục. Địa điểm tổ chức giải là dãy diễn ra ở Ladakh (Ấn Độ). La Ultra 333 có một khẩu hiệu nổi tiếng dành cho các vận động viên: "Nếu bạn không thành công, đó là do bạn chưa nỗ lực”. Ảnh: Getty . |
Ban tổ chức thường yêu cầu vận động viên đến trại tập kết trước 2 tuần để thích nghi khí hậu. Các chặng đường càng lên cao càng khắc nghiệt, thiếu oxy là tình trạng thường xuyên xảy ra. Khi các vận động viên đã chinh phục được chặng đầu tiên - Khardung La, ở độ cao 5.400 m, họ tiếp tục phải chạy qua chặng thứ hai - Wari La, nơi có với nhiệt độ 40°C ở mức 5.300 m. Nhiệt độ ở Wari la có thể giảm đột ngột xuống hơn -10°C chỉ trong vài giờ. Chặng cuối là Taglang La, có độ cao 5.350 m. Ảnh: Founding fuel. |
Ultra-Trail Du Mont Blanc (UTMB) được đánh giá là một trong những giải chạy địa hình lớn và danh giá nhất thế giới. Theo Runners World , giải chạy này dài 171 km, được coi là “World Cup” của các vận động viên chạy địa hình. Đường chạy dài trên dãy Alps từ Pháp, qua Italy và Thụy Sĩ. Ultra-Trail Du Mont Blanc được tổ chức từ năm 2003. Năm 2018, Việt Nam có đại diện tham dự UTMB là vận động viên Quang Trần (Đà Nẵng). Anh hoàn thành cuộc thi khắc nghiệt này với thời gian 32:46:12, xếp hạng 214 trong tổng số 2.561 vận động viên tham dự. Ảnh: Le Point. |
Giảy chạy địa hình Dragon "s Back Race (Wales) diễn ra tại dãy núi Glyderau hiểm trở và được đánh giá là cuộc đua nguy hiểm. Vận động viên tham gia phải vượt qua những rặng núi đá lởm chởm ở độ cao 16.000 trong 300 km. Chặng đường chạy thường bị bao phủ bởi sương mù, vận động viên phải di chuyển trên những sườn dốc cao và lội qua những dòng sông băng giá. Cuộc đua đầu tiên diễn ra vào năm 1992 và phải dừng lại vì quá nguy hiểm. 20 năm sau, giải chạy được tổ chức lại và giờ đây trở thành sự kiện thường niên. Ảnh: Wales online . |