50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Sức mạnh tình đoàn kết 3 nước Đông Dương

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, chúng ta thêm một lần nhận thức rõ hơn về sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, từ đó trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử trong thời kỳ mới.

Mùa Xuân năm 1971, quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Lào tổ chức thực hiện thành công chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi vang dội, góp phần quyết định làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Đây cũng là thành quả chung của nhân dân ba nước Đông Dương cùng nhau đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược để giải phóng dân tộc.

50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Sức mạnh tình đoàn kết 3 nước Đông Dương

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch chuẩn bị chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh tư liệu.

Năm 1969, Richard Nixon trúng cử lên làm Tổng thống Mỹ, chủ trương mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương. Đầu năm 1971, Mỹ chỉ đạo đội quân tay sai (bao gồm quân đội Sài Gòn, quân đội phản động Lon Non ở Campuchia, quân đội phái hữu Lào), trong đó quân đội Sài Gòn giữ vai trò nòng cốt xung kích mở đồng thời ba cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện Trường Sơn của cách mạng ba nước Đông Dương, đó là: Cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào; cuộc hành quân mật danh “Toàn thắng 1/71” đánh lên đông bắc Campuchia; cuộc hành quân mật danh “Quang Trung 4” đánh ra vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong ba cuộc hành quân trên, cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất (lực lượng địch lúc cao nhất lên tới 55.000 quân) và cũng mang tham vọng lớn nhất: 1- Đánh phá, cắt đứt hoàn toàn từ gốc tuyến hành lang chi viện chiến lược Bắc - Nam của ta, làm suy yếu sức chiến đấu của cách mạng ba nước Đông Dương; 2- Thể nghiệm công thức cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: quân đội Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ; 3- Thử thách quyết tâm, khả năng quân sự của miền Bắc Việt Nam, hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Lào và Campuchia; 4- Tạo sức ép trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc ta phải nhân nhượng, chấp nhận giải pháp do Mỹ đưa ra.

Đánh giá đúng âm mưu, hành động của địch, trong nửa cuối năm 1970, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam sớm chủ động tiếp xúc, trao đổi với Trung ương Đảng nhân dân Lào, Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia cùng nhau đi đến thống nhất về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, các chiến trường liên quan lập phương án hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu. Từ tháng 9/1970 đến tháng 1/1971, quân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia khẩn trương bắt tay làm tốt công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện trên tất cả các mặt, các hướng. Riêng tại hướng Đường 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng (mật danh Mặt trận 702), đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324 và 2), một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị), Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Tổng quân số gần 60.000 người.

50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Sức mạnh tình đoàn kết 3 nước Đông Dương

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào bắt đầu từ ngày 30/1 và kết thúc vào ngày 23/3/1971. Ảnh: TTXVN

Nêu cao tinh thần đoàn kết với cách mạng Việt Nam, tháng 1/1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trung tâm số một của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào trong lúc này là đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giành thắng lợi to lớn cách mạng Lào và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của mình”; đồng thời chỉ đạo nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Nam Lào, nhất là tại tỉnh Savannakhet (nơi có Đường 9 chạy qua) phối hợp với bộ đội Việt Nam chiến đấu. Tiếp đó, Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia ra tuyên bố nêu rõ: “Quyết tâm đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ, dùng quân ngụy Sài Gòn làm trụ cột để tấn công cách mạng miền Nam và trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Việc tiêu diệt quân ngụy Sài Gòn trên chiến trường Campuchia cũng là thắng lợi chung của quân dân ba nước Campuchia - Việt Nam - Lào”; ra lệnh cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phối hợp với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam kiên quyết đánh bại mọi hành động quân sự của địch.

Sau một thời gian tổ chức nghi binh, chuẩn bị lực lượng và tạo bàn đạp giáp vùng biên giới, đầu tháng 2/1971, quân đội Sài Gòn (được Mỹ yểm trợ) bắt đầu tiến công đánh phá tuyến hành lang chi viện chiến lược Trường Sơn. Quân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với thế trận đã chuẩn bị sẵn, chủ động đón đánh ngay từ đầu, giáng trả địch những đòn bất ngờ, gây choáng váng.

50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Sức mạnh tình đoàn kết 3 nước Đông Dương

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra từ ngày 30/1 và kết thúc thắng lợi vào ngày 23/3/1971. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch. Ảnh: TTXVN.

Trên hướng đông bắc Campuchia, Quân giải phóng miền Nam phối hợp với lực lượng kháng chiến và nhân dân Campuchia mở chiến dịch phản công, chặn đánh địch trên từng khu vực, đánh nhiều trận tập kích, phục kích, sau chuyển sang bao vây tiến công... đập tan cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71” của quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 địch. Tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên với cách đánh mưu trí, sáng tạo (vận dụng tốt cách đánh bao vây, tiến công liên tục), phối hợp với quân dân địa phương đánh bại cuộc hành quân Quang Trung 4 của quân đoàn 2 Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10.000 địch. Thắng lợi của ta tại chiến trường đông bắc Campuchia và ngã ba biên giới đã trực tiếp góp phần đẩy quân địch lún sâu vào thế bị động, không còn khả năng chi viện cho chiến trường chính Đường 9 - Nam Lào, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho quân dân Việt - Lào chiến đấu.

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra từ ngày 30/1 và kết thúc thắng lợi vào ngày 23/3/1971. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 có ý nghĩa chiến lược to lớn về quân sự, chính trị, ngoại giao, đồng thời làm nức lòng bè bạn thế giới.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, quân dân Việt Nam cùng quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hi sinh đánh bại hoàn toàn ba cuộc phản công quy mô lớn của địch trên ba địa bàn chiến lược. Đây là sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu mang lại hiệu quả nhất, thành công nhất của nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thời điểm đó. Mỗi chiến công giành được đều là kết quả của sự phối hợp chung toàn chiến trường, và đều mang dấu ấn của sức mạnh đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, chúng ta thêm một lần nhận thức rõ hơn về sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, từ đó trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử trong thời kỳ mới, tiếp tục cùng nhau tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác để xây dựng khu vực hòa bình, thịnh vượng theo mục tiêu, con đường mà nhân dân mỗi nước lựa chọn.

TS Trần Hữu Huy

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Theo VOV

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.