Cuộc tranh cãi xem hệ điều hành nào tốt hơn, Android hay iOS, sẽ không bao giờ chấm dứt vì mỗi bên đều có thế mạnh của riêng mình.
Người dùng Android sẽ luôn tự hào với Google Assistant, khả năng tùy biến, thậm chí là đa nhiệm. Còn với iOS, hệ điều hành của Apple cũng có không ít ưu điểm vượt mặt Android.
iMessage với nhiều tính năng thú vị
Đây là tính năng đặc biệt nhất mà người dùng Android chưa trải nghiệm được. iMessage đồng bộ trên tất cả thiết bị Apple, kèm theo nhiều tính năng thú vị như Memoji, gửi ảnh, video độ phân giải cao hay chat mà không cần Wi-Fi.
|
iMessage có nhiều tính năng thú vị như Memoji, gửi ảnh, video độ phân giải cao. Ảnh: Cnet. |
Giữa năm ngoái, Google cho ra mắt Google Chat tương tự iMessage. Ứng dụng này cũng cho phép người dùng gửi ảnh, video chất lượng cao, thậm chí biết được đối phương có đang trả lời hay đã đọc tin nhắn chưa. Dù có nhiều cải tiến mới mẻ, Google Chat không được dùng rộng rãi và nhiều tính năng như iMessage.
Widget đẹp mắt
Bắt đầu muộn so với Google, Apple lại làm tốt hơn. Widget của iOS nhiều kích thước và có thể đặt bất cứ đâu trên màn hình chính. Người dùng còn có thể xếp chồng widget lên nhau, hệ thống sẽ tự hiển thị những ứng dụng thường dùng hoặc bạn có thể tự lướt để tìm kiếm.
Tai nghe không dây dễ cài đặt
Hệ thống của Apple còn vượt mặt Google ở tính năng ghép nối tai nghe không dây với thiết bị liền mạch. Người dùng AirPods có thể dễ dàng kết nối với máy Mac và Apple Watch.
Tai nghe Galaxy Buds của Samsung, Pixel Buds 2 của Google cũng cố gắng đem lại trải nghiệm tương tự nhưng chưa thành công. Ngoài ra, AirPods còn nhiều tính năng khác như chia sẻ âm thanh, kết nối với Siri mà các hãng Android chưa thể bắt kịp.
Cập nhật phần mềm thường xuyên, đồng bộ
Cập nhật phần mềm không đồng bộ luôn là khuyết điểm của Android. Ngoài Pixel của Google, các dòng điện thoại Android khác luôn nhận được thông báo cập nhật trễ và không cùng lúc.
Với Apple, khi có bản cập nhật mới, miễn là phiên bản iPhone đó vẫn còn được hỗ trợ, người dùng sẽ được cập nhật ngay lập tức.
Sao lưu, khôi phục bộ nhớ liền mạch
Khi mua một chiếc iPhone mới, người dùng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản iCloud, chọn “khôi phục” và đợi khoảng 20 phút, dữ liệu sẽ được tải đầy đủ vào điện thoại mới. Tuy nhiên, việc sao lưu và khôi phục dữ liệu không trơn tru, dễ dàng như thế với smartphone Android.
Việc sao lưu và khôi phục dữ liệu trên iOS dễ dàng hơn so với Android. Ảnh: Cnet. |
Sao lưu và khôi phục dữ liệu của Google hoạt động khá tốt, nhưng có nhiều ứng dụng phải tải riêng lẻ, hoặc đăng nhập để cài đặt lại vẫn không giống bố cục trên điện thoại cũ.
Trong khi đó, iPhone sao lưu cài đặt iCloud hàng đêm, miễn là thiết bị được kết nối với Wi-Fi và không hết pin. Ngoài ra, iOS còn khôi phục ứng dụng, tài khoản, màn hình chính như cũ mà không bị lỗi.
Facetime
Cũng như trường hợp iMessage, Duo của Google không thể so sánh với FaceTime. Thậm chí, tên ứng dụng của Apple dần trở nên đồng nghĩa với “gọi video” vì sự phổ biến của nó.
Đây là ứng dụng duy nhất có sẵn trên điện thoại, người dùng không cần phải truy cập bên thứ ba hay mở danh bạ để chọn gọi video. FaceTime tự động liên kết danh bạ, máy ảnh, giúp người dùng gọi video gần như ngay lập tức. Đây cũng là một trong những lý do nhiều gia đình trung thành với iPhone.
Không có ứng dụng cài đặt sẵn
Bloatware là những phần mềm, ứng dụng được nhà sản xuất cài sẵn trên thiết bị, hoặc tích hợp trong hệ điều hành, thường thấy trên các thiết bị Android.
Với Apple, công ty không bao giờ cho phép nhà cung cấp dịch vụ cài đặt bất kỳ ứng dụng nào trước khi điện thoại đến tay người dùng.
Dù chủ sở hữu có thể xóa hoặc ẩn những ứng dụng đó chỉ trong giây lát, việc này cũng tốn thời gian và gây khó chịu cho người dùng. Chưa kể, nhiều nghiên cứu còn cho thấy các ứng dụng Bloatware có thể gây lỗi và tạo lỗ hổng bảo mật.
Apple không bao giờ cho phép nhà cung cấp dịch vụ cài đặt bất kỳ ứng dụng nào trước khi điện thoại đến tay người dùng. Ảnh: Cnet. |
Tiết kiệm thời gian với Shortcut và Siri
Phím tắt (Shortcut) được Apple tích hợp từ bản cập nhật iOS 12 đem đến nhiều tính năng hữu ích. Nó cho phép chủ sở hữu thực hiện nhanh những tác vụ hàng ngày, thông qua việc thiết lập câu lệnh cụ thể trong ứng dụng. Người dùng còn có thể điều khiển bằng Siri.
Nhiều năm qua, trợ lý ảo Siri của Apple không bắt kịp Google Assistant và Alexa, người dùng cũng chỉ dùng Siri cho những tác dụng thông thường như bật nhạc, xem dự báo thời tiết. Tuy nhiên, nếu kết hợp với phím tắt, những tính năng của Siri sẽ được tối ưu hơn.