Bài 1: Lực lượng chủ công của nền kinh tế trong cơn “sóng cả”

(Baohatinh.vn) - Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; trở thành lực lượng đầu tàu đưa kinh tế tỉnh nhà bứt phá. Thế nhưng, dịch COVID-19 kéo dài, lan rộng toàn cầu, tiếp đó là ảnh hưởng nặng nề của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến lực lượng chủ công này đối mặt với khó khăn chồng chất. Không ít doanh nghiệp phải chấp nhận thua lỗ, thậm chí là tạm dừng hoạt động, giải thể.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; trở thành lực lượng đầu tàu đưa kinh tế tỉnh nhà bứt phá. Thế nhưng, dịch COVID-19 kéo dài, lan rộng toàn cầu, tiếp đó là ảnh hưởng nặng nề của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến lực lượng chủ công này đối mặt với khó khăn chồng chất. Không ít doanh nghiệp phải chấp nhận thua lỗ, thậm chí là tạm dừng hoạt động, giải thể.

Đi lên từ tỉnh nghèo, từ những năm 2000, Hà Tĩnh tập trung thu hút mọi nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước đột phá, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với những thành công lớn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các lĩnh vực kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp (DN).

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao chứng nhận doanh nghiệp tiêu biểu năm 2023.

Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh xác định mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đó là phát triển các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là DN, phấn đấu mỗi năm thành lập mới trên 1.000 DN hoạt động hiệu quả. Để cụ thể hóa chiến lược giai đoạn mới, ngày 22/11/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động DN đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề trên lĩnh vực KT-XH được ban hành sớm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Triển khai thực hiện nghị quyết, ngày 13/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động với 6 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành và triển khai hiệu quả: hỗ trợ thành lập mới DN; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư công nghệ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và đào tạo nguồn nhân lực… Cùng đó, UBND tỉnh, các ngành liên quan cũng đã ban hành các văn bản và thành lập tổ công tác đặc biệt của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là doanh nghiệp đầu kéo của công nghiệp tỉnh nhà.

Môi trường đầu tư kinh doanh được đặc biệt quan tâm xây dựng với sự cải thiện đáng kể về các chỉ số thúc đẩy phát triển KT-XH như: Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 đứng thứ 37 cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2021; Cổng dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 13 cả nước; Cải cách hành chính (PAR Index) đứng thứ 28; Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) đứng thứ 7; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 8. Đặc biệt, nhiều năm qua, Hà Tĩnh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá có nhiều sự cải thiện trong chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN (PCI).

Năm 2022, chỉ số PCI của Hà Tĩnh đứng thứ 18 toàn quốc, trong đó, ghi nhận những điểm sáng trong môi trường kinh doanh như: sự năng động của chính quyền, cải cách hành chính có hiệu quả đáng kể, môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng hơn đối với các DN… 3 năm gần đây, tỉnh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh (DDCI) để nhìn nhận những hạn chế, phân tích điểm nghẽn, từ đó tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Năm 2022, chỉ số CPI Hà Tĩnh đứng thứ 18 trên toàn quốc.

Với chiến lược đúng đắn cùng các chính sách hỗ trợ đồng bộ, từ năm 2015 đến nay, DN Hà Tĩnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trong đó, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh thành lập mới 5.600 DN với tổng vốn đăng ký trên 39.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, có gần 3.600 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 30.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 1.200 DN (chỉ tiêu nghị quyết mỗi năm thành lập mới trên 1.000 DN).

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Up Hà Tĩnh.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có gần 13.000 DN và đơn vị trực thuộc, hoạt động ở nhiều nhóm, ngành khác nhau như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ... Ngoài những DN “đầu tàu” như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh… thì các DN nội tỉnh cũng đã ghi nhận những tên tuổi: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải, Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức, Công ty CP Phát triển công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.


 
 
Với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải là một trong những doanh nghiệp nội tỉnh có nhiều đóng góp cho tỉnh (ảnh 1); Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh -doanh nghiệp đóng hàng trăm tỷ đồng vào số thu nội địa (ảnh 2), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (ảnh 3), Công ty CP bao bì Sông La Xanh (ảnh 4) cùng với cộng đồng DN trên địa bàn đã và đang trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Cộng đồng DN trên địa bàn đã và đang trở thành trụ cột của nền kinh tế khi đóng góp vào khoảng 50% GRDP và chiếm 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh. Đặc biệt đã góp phần quan trọng đưa Hà Tĩnh trở thành một trong 17 tỉnh, thành có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước: năm 2015 đạt 6.086 tỷ đồng, đến năm 2020, số thu đạt 8.018 tỷ đồng và năm 2023, đạt 9.182 tỷ đồng. Theo ông Trương Quang Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh: Bình quân trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ đóng góp của khu vực DN vào nguồn ngân sách Nhà nước chiếm xấp xỉ 50% trong tổng số thu nội địa trên địa bàn.

DN không chỉ sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động và đóng góp to lớn cho các hoạt động an sinh xã hội. Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, các DN trên địa bàn Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho hơn 97.000 người, với thu nhập bình quân 10,23 triệu đồng/người/tháng”.

Có thể nói, chưa khi nào cộng đồng DN phải gồng mình đối diện với nhiều thách thức như 4 năm trở lại đây. Dịch COVID-19 khởi phát từ đầu năm 2020 tác động nặng nề lên mọi mặt KT-XH, trở thành “nỗi ám ảnh” với các DN. Hoạt động sản xuất bị gián đoạn, ngưng trệ khiến nhiều DN tạm dừng hoạt động, đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí phải giải thể. Từ năm 2023 đến nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây nên sự bất ổn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Khó khăn khách quan bao trùm cùng với DN tỉnh nhà chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, sức chống chịu hạn chế, bởi vậy phần lớn chưa hấp thu được các chính sách hỗ trợ để bứt phá trong SXKD.

Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 DN và đơn vị trực thuộc, hoạt động ở nhiều nhóm ngành khác nhau.

Báo cáo từ các ngành chức năng cho thấy, doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm gần đây của DN trên toàn tỉnh đều giảm mạnh so với trước thời điểm 2019. Tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ tăng gần 39% trong giai đoạn 2019-2023. Tổng vốn đăng ký của các DN cũng sụt giảm dần trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2023, tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới đạt 5.604 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 10.162 tỷ đồng và năm 2021 là 13.451 tỷ đồng.

Đặc biệt, cũng như cả nước, tại Hà Tĩnh, số lượng DN giải thể tăng lên và số lượng DN phát sinh doanh thu, phát sinh thuế giảm đáng kể. Riêng năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 1.200 DN nhưng cũng có đến 241 DN giải thể và 551 DN tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ DN và các tổ chức kinh tế kê khai phát sinh thuế đạt trên 41% (năm 2022 là trên 47%).

Công ty CP May Five Star phải tạm ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn; Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Thiên Lộc gặp khó khăn trong hoạt động khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ sụt giảm...

Ông Trần Đức Lịch - Giám đốc Công ty CP May Five Star ngậm ngùi: “Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc (thị trường chính của công ty - PV), làm giảm nguồn cung dẫn đến các DN dệt may nói chung và công ty nói riêng khủng hoảng về đơn hàng, thêm vào đó các chi phí sản xuất liên tục tăng. Trong bối cảnh khó khăn từ nhiều phía, chẳng còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi đành phải cho công ty tạm dừng hoạt động”.

Cũng trong tình trạng khó khăn không thể tháo gỡ, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ và Sản xuất vật liệu xây dựng T.S. (TP Hà Tĩnh) - Nguyễn Văn T. bộc bạch: “Năm 2018, tôi thành lập DN sản xuất vật liệu xây dựng (gạch lát vỉa hè và bó vỉa). Thời gian đầu thành lập, doanh thu hàng năm của công ty bình quân vài chục tỷ đồng/năm. Đến đầu năm 2022, thị trường tiêu thụ giảm do kinh tế khó khăn, mặt khác, thị hiếu tiêu dùng cũng bắt đầu thay đổi. Cộng thêm thiếu hụt nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, công ty dần rơi vào bế tắc. Cầm cự đến cuối năm 2023, tôi buộc phải xin tạm ngừng hoạt động”.

Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh là những DN tạo việc làm cho trên 1.500 lao động.

Khảo sát của ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho thấy, với 792 DN giải thể và tạm rời khỏi thị trường trong năm 2023 đã khiến cho 4.655 người mất việc làm, mất thu nhập. DN giải thể bên cạnh người lao động mất việc làm, các chỉ số sản xuất sụt giảm thì Nhà nước còn thất thu ngân sách. Theo ông Nguyễn Xuân Thường - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh): Trong vài năm trở lại đây, công tác thu ngân sách trên địa bàn bị ảnh hưởng do kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động SXKD của một số DN chủ lực suy giảm. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo chủ trương của Chính phủ cũng đã ảnh hưởng đến số thu hàng năm của ngành thuế Hà Tĩnh. Cụ thể, năm 2022, thu thuế, phí, lệ phí từ DN và HTX của Hà Tĩnh là 4.080 tỷ đồng/tổng thu ngân sách nội địa 8.768 tỷ đồng, chỉ đạt 46,5%. Năm 2023, thu thuế, phí, lệ phí từ DN và HTX đạt 5.292 tỷ đồng/tổng thu ngân sách nội địa 9.182 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,7%.

Cán bộ Sở KH&ĐT rà soát danh sách doan nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm.

Đáng nói, trên cả nước, trong 2 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng có hơn 20.500 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng có tới gần 31.500 DN rút lui khỏi thị trường... Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay có 70 DN giải thể và 318 DN tạm ngừng hoạt động. Bối cảnh này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp yêu cầu cần nhận diện rõ những khó khăn, điểm nghẽn và tìm giải pháp căn cơ, đồng bộ, hiệu quả để cùng DN hóa giải.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V KINH TẾ

THIẾT KẾ: NGUYỄN HUY

(Còn nữa)

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói