Kinh tế

Anh cover PC.jpg
Tit bai 2.jpg

Khó khăn tiếp tục kéo dài trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những bất cập nội tại trong nước, trong tỉnh khiến sức chống chịu của doanh nghiệp Hà Tĩnh suy giảm. Ở thời điểm này, những hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng được bộc lộ rõ để chúng ta nhìn nhận, từ đó có quyết tâm, giải pháp tháo gỡ.

Unit.png
Title Page.jpg

Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Các lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động bất lợi, trong đó, tại Hà Tĩnh, hoạt động công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ - lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động lớn nhất (chiếm khoảng 96%) chưa đạt như kỳ vọng. Công nghiệp - “đầu kéo” kinh tế của tỉnh, từ sau dịch COVID-19 đến nay, chỉ số sản xuất chỉ tăng nhẹ, thậm chí có những năm giảm mạnh. Theo số liệu niên giám thống kê, năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 93,5%, năm 2019 tăng 25,6% thì năm 2020, chỉ số này giảm 4,5% và năm 2022, tiếp tục giảm hơn 16%. Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương phân tích, những khó khăn nội tại phát sinh khiến chỉ số sản xuất công nghiệp không đạt như mục tiêu đề ra như: hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó, nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc các thủ tục hoặc chậm triển khai, đặc biệt là Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng kỳ vọng khởi công năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 - DN có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp tỉnh nhà gặp sự cố kỹ thuật kéo dài... đã ảnh hưởng đến môi trường phát triển chung của DN.

1.jpg
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 – DN có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp tỉnh nhà gặp sự cố kỹ thuật kéo dài đã ảnh hưởng đến môi trường phát triển chung của DN.

Bên cạnh bối cảnh mang nhiều yếu tố bất lợi thì hệ thống cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử như, giai đoạn từ năm 2011-2023, chưa có chính sách riêng cho lĩnh vực xuất khẩu, ngoại trừ một số sản phẩm nông nghiệp định hướng xuất khẩu được hỗ trợ về xúc tiến thương mại theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 16/12/2021. Hay là việc chậm ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ các nhà đầu tư trong đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn, trang thiết bị cho kho bãi… để thực hiện mục tiêu xây dựng trung tâm logistics mang tầm khu vực và quốc tế theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 (đến tháng 12/2023, Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2025 mới được ban hành).

4.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân, doanh nghiệp bên lề bên lề hội nghị gặp mặt, đối thoại dịp 13/10/2023.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở KH&ĐT, thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN chưa thực sự có hiệu quả, tỷ lệ giải ngân còn thấp như các chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: đối tượng thụ hưởng chính sách đáp ứng điều kiện còn hạn chế, một số chính sách mới ban hành nên chưa có văn bản hướng dẫn hoặc chưa được cán bộ địa phương tiếp cận kịp thời; một số chính sách xây dựng chưa sát với tình hình thực tiễn.

Trich 1 mm (900 x 500 px).jpg

Báo cáo đánh giá tác động Nghị quyết về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo nêu rõ: trong gần 5 năm thực hiện chính sách tại Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND (2018-2022), có một số nội dung hỗ trợ không thực hiện được như: ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ DN đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN); một số nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công. Hay trong hơn 2 năm (từ 2021-2023), thực hiện Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số19/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, không có DN nào làm thủ tục để hưởng lợi chính sách hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1.000.000 đồng/container 40 feet đối với các DN, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, vì các chủ hàng có số lượng hàng hóa còn nhỏ lẻ hoặc có số lượng lớn nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ.

Anh Lê Hữu Sơn - đại diện Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy HANVIHA (KKT Vũng Áng) cho biết: “Công ty xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ với sản lượng khoảng 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ áp dụng với DN có hàng hóa vận chuyển bằng container, trong khi công ty chúng tôi và hầu hết DN trên địa bàn xuất khẩu hàng qua cảng Vũng Áng đều xuất theo tàu hàng rời nên không được hỗ trợ. Chúng tôi mong rằng sẽ có những chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn DN hơn”.

5.jpg
DN xuất khẩu mong có những chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều DN, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ cũng là một trong những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư đối với các DN quy mô lớn, đặc biệt là hệ thống hạ tầng các KKT, KCN, CCN, cảng biển và logistics. Ngay ở KKT Vũng Áng, dù được xác định là khu vực động lực kinh tế quan trọng của tỉnh, tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa. Các DN xuất nhập khẩu qua cảng Vũng Áng cho rằng, điều kiện về cơ sở hạ tầng, kho bãi tại KKT Vũng Áng chưa hoàn thiện, đặc biệt vị trí chứa container chật hẹp, thiếu hụt thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống cầu cảng, bến đỗ cho tàu thuyền còn hạn chế nên chưa chưa đáp ứng tiềm năng hoạt động xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, đến nay, nhiều nhóm hàng container xuất khẩu của DN trên địa bàn tỉnh đang phải thực hiện xuất qua cảng Hải Phòng. Gửi kiến nghị tới các cấp, ngành, lãnh đạo tỉnh dịp 13/10/2023, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh - DN xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt đã đề nghị tỉnh xem xét đầu tư thêm cầu cảng chuyên dụng cho container, nhằm giảm chi phí vận chuyển và thuận lợi hơn cho DN trong tỉnh hoạt động.

12.jpg
13.jpg
Cơ sở hạ tầng, kho bãi tại Khu kinh tế Vũng Áng còn hạn chế nên chưa đáp ứng tiềm năng hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các CCN trên địa bàn cũng chưa được đầu tư hạ tầng nên khó thu hút DN vào hoạt động. Tại nhiều CCN đã thành lập, có dự án thứ cấp (đã hoạt động) nhưng chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường. Theo số liệu từ Sở Công thương, đến nay, trong 21 CCN đã thành lập, chỉ mới có 8 CCN hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Title Page (1).jpg

Doanh nghiệp trong cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa chính trị thế giới. Thế nhưng, nhận thức của các cấp, ngành về vai trò và trách nhiệm đối với phát triển DN chưa theo kịp yêu cầu mới, chưa tạo được môi trường thật thuận lợi cho DN phát triển.

2.jpg
Từ sau dịch COVID-19 đến nay, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp có những thời điểm giảm mạnh.

Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh dù đã được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh để tạo điều kiện cho DN hoạt động, song thực tế, hiện nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên, các chỉ số thành phần chưa thật sự đồng đều. Trong 10 chỉ số thành phần của Bộ Chỉ số PCI năm 2022, chỉ có 4 chỉ số thành phần tăng điểm (tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý) và có đến 6 chỉ số thành phần giảm điểm (gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ DN). Theo đánh giá trong báo cáo PCI năm 2022, vẫn còn nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của DN như: cơ chế minh bạch thông tin của tỉnh còn hạn chế; sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trong môi trường kinh doanh; việc tiếp cận mở rộng đất đai kinh doanh khó khăn, thiếu quỹ đất sạch...

Mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt kết quả khảo sát Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thị, thành phố (DDCI) năm 2023. Với sự tham gia khảo sát của 2.000 DN, HTX, hộ cá thể, 24 sở, ban, ngành và 13 địa phương đã được đánh giá, “chấm điểm” về việc thực hiện nhiệm vụ điều hành kinh tế, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, nhiều chỉ số vẫn bị “chấm điểm” thấp đối với nhiều sở, ban, ngành, địa phương như: tính năng động của chính quyền địa phương, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh… Qua đó cho thấy, còn nhiều vấn đề phải thay đổi tích cực hơn để thực sự tạo môi trường cởi mở, thuận lợi nhất cho phát triển DN.

9.jpg

Nhiều chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số PCI qua các năm còn đạt thấp.

Bên cạnh đó, kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ cho thấy, chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2022 của Hà Tĩnh đạt 85,95 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2021, đứng thứ 28 cả nước, trong đó, chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử bị giảm rất sâu. Còn theo kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2023 và kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong thực hiện CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, tại các đơn vị bị giảm thứ hạng, một số lĩnh vực đạt tỷ lệ % thấp như: cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách tài chính công và chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính và công tác triển khai thực hiện CCHC.

Gặp gỡ, trao đổi với các DN, nhiều ý kiến chia sẻ với chúng tôi rằng, trong một số lĩnh vực, công tác CCHC vẫn còn bất cập, phức tạp, phần nào gây cản trở cho DN. “Hiện nay, một số thủ tục hành chính còn rườm rà; có những quy định chồng chéo nhất là lĩnh vực đất đai, gây khó cho DN. DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như các chính sách hỗ trợ. Việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, DN còn chưa thật sự quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Cùng đó, quy hoạch chưa thống nhất, hạ tầng kỹ thuật vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN và tiềm năng của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Trung, chủ một DN xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh nêu ý kiến.

7.jpg
Bối cảnh khó khăn tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh hàng tiêu dùng tại Công ty CP Thương mại Hoàng Lâm Bân (TP Hà Tĩnh).

Ngoài ra, qua tập hợp các ý kiến của DN trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh hằng năm, nhiều DN, nhà đầu tư có ý kiến thời gian thẩm định, chấp thuận chủ trương một số dự án còn kéo dài; công tác GPMB nhiều dự án còn vướng mắc... Theo phân tích của các sở, ngành, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư bị kéo dài là do một số quy định của pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động DN của Trung ương ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là về lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng. Đơn cử như việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng trong thành lập, mở rộng CCN theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư của Chính phủ.

khu-công-nghiệp-bắc-cẩm-xuyên---ảnh-hương-thành-(2).jpg
Hiện nay, nhiều CCN chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường. Trong ảnh: CCN Bắc Cẩm Xuyên đã có nhiều dự án thứ cấp hoạt động nhưng đến nay mới đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Hương Thành

Bên cạnh các yếu tố khách quan thì hiện nay, năng lực nội tại của DN trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Ông Phan Thành Biển - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận: “Năng lực của nhiều DN còn nhiều hạn chế, tính cạnh tranh yếu, thiếu vốn, đặc biệt là thiếu chiến lược kinh doanh dài hơi. Tỷ lệ DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất còn thấp; chưa có nhiều sản phẩm được liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước do cơ cấu tổ chức và kinh doanh còn nhiều bất cập, chưa tập trung vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Trich 4.jpg

Mặc dù số lượng DN trên địa bàn tỉnh khá lớn (hơn 13.000 DN và đơn vị trực thuộc), song cơ cấu, quy mô DN của tỉnh còn khiêm tốn. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, hiện có khoảng 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó số lượng DN siêu nhỏ chiếm trên 90%. Số vốn bình quân của các DN hiện nay chỉ khoảng 7 tỷ đồng. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lê Đức Thắng cho rằng: “Thủ tục thành lập DN khá đơn giản nên thực tế là thời gian qua, bất cứ ai cũng có thể thành lập DN và ai cũng có thể trở thành giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị. Thành lập DN mà không có năng lực, thiếu chiến lược kinh doanh thì sẽ đặt DN trước những rủi ro; khi nền kinh tế có những bất ổn, việc “dừng cuộc chơi” của các DN nhỏ là chuyện khó tránh khỏi”.

Video: Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ về những khó khăn của DN.
Tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh để tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án.

Tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh để tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án.

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, số lượng DN "đầu tàu", đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành, lĩnh vực, một chuỗi giá trị hoặc một cụm DN của tỉnh còn rất ít (các DN quy mô vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chiếm khoảng 2% số lượng DN hoạt động). DN tỉnh nhà chưa có nhiều thương hiệu hàng hóa nổi bật; phần lớn thị trường của các DN vẫn ở trong nước (toàn tỉnh chỉ có khoảng 100 DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu).

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, trong đó khó khăn nhiều hơn. Để cải cách môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V KINH TẾ

THIẾT KẾ: HUY NGUYỄN

(Còn nữa)

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.