Giáo dục

Chủ trương nhân văn - Bài 3 - Pc (1).png
Bài 1 ươm mầm (1).png

Lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm với trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, nhiều mô hình “con nuôi”, “mẹ đỡ đầu” đã và đang được nhân rộng trên toàn địa bàn Hà Tĩnh. Toàn xã hội đã cùng vào cuộc với cách làm tâm huyết, hiệu quả, giúp các em học sinh nghèo ở tất cả các cấp học vững bước trên hành trình vượt khó, tìm tri thức.

Ảnh 1.jpg
Hình ảnh em Phạm Nguyễn Thị Kim với dáng người nhỏ nhắn cùng đôi chân trần chạy bộ dưới mưa tại giải việt dã toàn tỉnh gây xúc động mạnh.

Tại Giải Việt dã toàn tỉnh (tháng 3/2024), hình ảnh bé gái nhỏ nhắn Phạm Nguyễn Thị Kim (SN 2012, ở thôn Đông Hà, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) “lọt thỏm” giữa những chân chạy cao lớn nhưng vẫn băng băng cán đích ở vị trí thứ 3 đã gây ấn tượng mạnh với mọi người. Ít ai biết rằng, để có những bước chạy như hôm nay, Kim đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi và chinh phục môn điền kinh.

Ảnh 2.jpg
Hoàn cảnh của Kim rất khó khăn, thiếu vắng bố từ nhỏ, một mình mẹ nuôi 3 anh em khôn lớn.

Từ nhỏ, Kim đã sống thiếu bố; một mình mẹ (chị Nguyễn Thị Nhung, SN 1974) tần tảo nuôi 3 anh em khôn lớn. Lên lớp 6, Kim chỉ cao 1m30 và nặng 25 kg. Dù thể hình hạn chế nhưng em lại có tình yêu mãnh liệt với môn điền kinh. Cuối tháng 2/2024, huyện Kỳ Anh tổ chức Giải Việt dã toàn huyện, em được các thầy cô động viên đăng ký thi đấu. Và ngay lần đầu tham gia nội dung chạy 3.000m nữ, Kim xuất sắc giành HCV. Với thành tích ấn tượng này, Kim được chọn vào đội dự thi Giải Việt dã toàn tỉnh.

Ảnh 4.JPG
Ảnh 3.JPG
Dù thể hình khiêm tốn nhưng ở Kim luôn có một tình yêu mãnh liệt với môn điền kinh.

Ngày đi tranh tài ở tỉnh, ở vạch xuất phát, cô học trò như càng nhỏ bé giữa nhóm vận động viên vượt trội về ngoại hình. Kim bày tỏ: “Lúc đó, em có chút lo lắng. Tuy nhiên, khi vào cuộc thi, em cứ nhìn về phía trước và cố gắng, không cho phép mình mệt, càng không cho mình được bỏ cuộc”. Thành tích của Kim góp phần giúp đội Kỳ Anh giành HCĐ nội dung đồng đội nữ và giải ba toàn đoàn.

Ảnh 5.jpg
Cảm động trước nghị lực của Kim, Ban Phụ nữ công an tỉnh, Hội Phụ nữ Công an huyện Kỳ Anh và chính quyền địa phương xã Lâm Hợp đã phối hợp nhận đỡ đầu em.

Ấn tượng với hình ảnh cô học trò nhỏ mà kiên cường và biết được hoàn cảnh khó khăn của em, Ban Phụ nữ Công an tỉnh, Hội Phụ nữ Công an huyện Kỳ Anh và chính quyền địa phương, Hội LHPN xã Lâm Hợp đã phối hợp nhận đỡ đầu em với số tiền 1,2 triệu đồng/tháng. Với tình cảm, sự động viên của cộng đồng, cùng sự kỳ vọng của gia đình đã tạo động lực to lớn cho Kim trên bước đường chinh phục môn điền kinh.

Ảnh 6.JPG
Ảnh 7.JPG
Ảnh 8.JPG
Ban Phụ nữ công an tỉnh gặp gỡ, động viên Kim trước ngày tham dự giải Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Giữa tháng 6 vừa qua, Kim vinh dự được cùng đội điền kinh Hà Tĩnh tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực III tại Quảng Nam. Trước khi lên đường thi đấu, đại diện Ban Phụ nữ Công an tỉnh đã tới gặp gỡ, động viên và dặn dò em nỗ lực vì thành tích chung của tỉnh nhà. Trong vòng tay của những người mẹ đỡ đầu, Kim phấn khởi chia sẻ: “Em thật vui vì nhận được sự chăm lo, quan tâm cả vật chất lẫn tinh thần của những người mẹ đỡ đầu. Những lời động viên, đồng hành của các mẹ là động lực để em tiến về phía trước, chinh phục ước mơ”.

Chứng kiến hoàn cảnh của Sương và ý chí vươn lên của em, từ lúc em đang học phổ thông, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã luôn đồng hành, giúp đỡ. Khi biết tin em đậu đại học, đơn vị đã quyết định hỗ trợ em 1,5 triệu đồng/tháng trong 4 năm học.

Ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê có câu chuyện ấm lòng về em Hồ Thị Sương (SN 2003), đậu đại học và được nhận làm “con nuôi biên phòng” từ ngày em trúng tuyển vào ngành Giáo dục mầm non, Khoa Sư phạm (Trường Đại học Hà Tĩnh). Ngày cô học trò người dân tộc Chứt đậu đại học, mọi người vừa mừng, vừa lo cho em. Sương là chị cả trong 4 chị em; từ nhỏ đã thiếu vắng hơi ấm của bố, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai người mẹ thường xuyên ốm yếu và không có việc làm ổn định. Chứng kiến hoàn cảnh của Sương và ý chí vươn lên của em, từ lúc em đang học phổ thông, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã luôn đồng hành, giúp đỡ. Khi biết tin em đậu đại học, đơn vị đã quyết định hỗ trợ em 1,5 triệu đồng/tháng trong 4 năm học.

Ảnh 9.JPG
Ảnh 11.JPG
Ảnh 12.JPG
Ảnh 13.JPG
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh luôn đồng hành, hỗ trợ em Hồ Thị Sương trong thời gian em nhập học tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Thiếu tá Trần Hưng Đạo - Trợ lý công tác quần chúng (Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) cho biết: “Qua theo dõi, động viên và chia sẻ cùng em, chúng tôi khá yên tâm khi thấy sự chịu khó, nỗ lực của Sương trong học tập cũng như trong cuộc sống. Mong em tiếp tục cố gắng hoàn thành chương trình học, trở về bản làng để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên mầm non của mình”.

Ảnh 14.JPG
Em Hồ Thị Sương (ngoài cùng bên trái) giành được kết quả học tập tốt tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Biết ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của những “người cha” biên phòng, Sương luôn nỗ lực học tập và trong 3 năm liền, em luôn đạt loại giỏi. Ngoài ra, em còn giành giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa, giải khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường…

69426fec-d90a-4db9-903c-a7deab94a5e8.png

"Em sẽ nỗ lực hơn nữa để có kết quả thật cao, sớm thực hiện lời hứa trở về bản làng dìu dắt các em nhỏ, cống hiến cho xã hội và tri ân những “người cha” biên phòng” - em Hồ Thị Sương chia sẻ.

“Từ khi được các chú biên phòng đỡ đầu, em có thêm chi phí để trang trải học tập. Đây là sự động viên lớn lao, giúp em không cảm thấy lẻ loi trên con đường chinh phục ước mơ. Chuẩn bị bước vào năm cuối đại học, em sẽ nỗ lực hơn nữa để có kết quả thật cao, sớm thực hiện lời hứa trở về bản làng dìu dắt các em nhỏ, cống hiến cho xã hội và tri ân những “người cha” biên phòng” - Sương xúc động.

Theo chân thầy Trần Quốc Thường - Trưởng nhóm Nhân ái Hồng La, chúng tôi đến thăm mẹ con em Nguyễn Đức Phú (SN 2012, ở thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, Đức Thọ). Từ khi lọt lòng, Đức Phú đã thiếu vắng tình yêu thương của bố. Mẹ em là chị Nguyễn Thị Hà (SN 1984) bị câm điếc bẩm sinh, sức khỏe yếu nên không thể lao động để nuôi em ăn học. Bà ngoại Đào Thị Tuyết (SN 1951) sống cùng mẹ con em, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng giúp việc nhà cho con cháu.

Ảnh 16.jpg
Nhận được sự giúp đỡ của nhóm "Mái ấm hướng thiện", hai chị em Võ Thị Quỳnh Như (SN 2005, ở giữa) và Võ Thị Thủy Tiên (SN 2006, bên phải) ở thôn Nam Quang, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. (Trong ảnh: Đại diện nhóm "Mái ấm hướng thiện" trao hỗ trợ hàng tháng cho 2 chị em Quỳnh Như, Thủy Tiên).

Biết hoàn cảnh của Đức Phú, năm 2021, thầy Thường cùng các thành viên trong nhóm quyết định hỗ trợ em mỗi tháng 300 nghìn đồng. Phú cũng là một trong số gần 100 học sinh (HS), sinh viên được Quỹ Nhân ái Hồng La đỡ đầu. Hiện em là HS Trường THCS Thanh Dũng (Đức Thọ). Liên tục nhiều năm liền, Đức Phú là HS khá của nhà trường. Em chia sẻ: “Số tiền Quỹ Nhân ái Hồng La hỗ trợ là nguồn động viên cả vật chất và tinh thần to lớn để em vượt qua khó khăn, cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện để có một tương lai tươi sáng hơn”.

Ảnh 18.JPG
Đại diện nhóm "Nhân ái Hồng La" thăm, động viên gia đình em Đinh Thị Thùy Dương.

Cũng nhờ vào sự giúp đỡ kịp thời của Quỹ Nhân ái Hồng La, em Đinh Thị Thùy Dương (SN 2010, ở thôn Đông Dũng, xã An Dũng) đã có động lực vượt qua khó khăn, vươn lên học tập. Cuộc sống gia đình Thùy Dương vốn đã khó khăn bởi mẹ thường xuyên đau ốm; số phận nghiệt ngã lại tiếp tục thử thách khi người bố cũng sớm qua đời do tai nạn đuối nước. Sau khi hoàn cảnh của gia đình Thùy Dương được Quỹ Nhân ái Hồng La chia sẻ và kêu gọi, đã có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ. Trong đó có một nhà hảo tâm nhận đỡ đầu em 500 nghìn đồng/tháng (bắt đầu từ tháng 7/2024).

Thầy Trần Quốc Thường chia sẻ: “Ngoài Đức Phú và Thùy Dương, hiện nhóm đang kết nối, đỡ đầu gần 100 em HS từ lớp 1 đến đại học, cao đẳng với số tiền 3,6 - 6 triệu đồng/em/năm. Đặc biệt, với các em học đại học, cao đẳng, ngoài số tiền đỡ đầu hằng tháng, chúng tôi còn kết nối với các cựu HS, mạnh thường quân… để hỗ trợ các em tìm kiếm việc làm khi ra trường”.

Cùng với nhóm Nhân ái Hồng La, thời gian qua, các nhóm, quỹ thiện nguyện trên địa bàn Hà Tĩnh đã cùng chung tay hỗ trợ, đỡ đầu các em HS nghèo hiếu học. Tiêu biểu như Mái ấm hướng thiện (TP Hà Tĩnh) do chị Nguyễn Phương Dung đại diện, hiện đang kết nối, đỡ đầu 5 HS; nhóm Hướng thiện từ trái tim (huyện Kỳ Anh) do anh Lê Thái Bình làm Trưởng nhóm, đang kết nối, trao quà cho 13 em, mỗi tháng từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng… Mỗi câu chuyện về những em nhỏ thiệt thòi được kết nối, đỡ đầu đều mang đến những thanh âm ấm áp cho cuộc đời.

Ảnh 19.JPG
Ảnh 21.JPG
Nhóm "Nhân ái Hồng La" động viên, trao hỗ trợ cho em Nguyễn Đức Phú.

Hành trình của những HS nghèo vượt lên số phận khi có được sự đồng hành, hỗ trợ của các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể là những câu chuyện đẹp, đang ngày càng được nhân lên, góp phần tỏa sáng những giá trị cao đẹp về lòng nhân ái và sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Từ chủ trương nhân văn của tỉnh, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc; con em xa quê và cả những tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài cùng chung sức. Không chỉ hỗ trợ HS nghèo vào học đại học, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai các nguồn quỹ, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu HS mồ côi, gặp hoàn cảnh khó khăn ở mọi lứa tuổi. Nổi bật như các chương trình: “Mẹ đỡ đầu” của hội LHPN các cấp với 792 trẻ mồ côi được nhận chăm sóc, hỗ trợ; “Con nuôi đồn biên phòng” của BĐBP tỉnh tạo điểm tựa vững chãi cho 79 em nhỏ thiệt thòi; mô hình “Em nuôi của Đoàn” tiếp sức đến trường cho gần 300 em; Báo Hà Tĩnh kết nối các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài đồng hành với hơn 40 lượt HS trên hành trình học tập; Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh đỡ đầu 14 em; các nhóm thiện nguyện và những nhà hảo tâm trong và ngoài nước nối vòng tay yêu thương tới hàng chục em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

"Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức thiện nguyện đã có nhiều hoạt động tích cực giúp hàng nghìn HS Hà Tĩnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, nuôi lớn ước mơ" - bà Trần Thị Hải Việt - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Bà Trần Thị Hải Việt - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức thiện nguyện đã có nhiều hoạt động tích cực giúp hàng nghìn HS Hà Tĩnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, nuôi lớn ước mơ. Nhiều cách vận động xây dựng quỹ đã được thực hiện linh hoạt, hiệu quả để duy trì và phát triển số lượng HS được hỗ trợ như: vận động cán bộ, hội viên, thành viên đóng góp; gây quỹ từ việc tham gia các công trình, phần việc của các tổ chức đoàn thể; kêu gọi con em xa quê; kết nối các chương trình, nguồn quỹ của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Không chỉ hỗ trợ kinh phí học tập hằng tháng, các tổ chức, cá nhân còn thường xuyên phối hợp với nhà trường, cán bộ địa phương theo dõi, chia sẻ tâm tư, tình cảm, cùng các em tháo gỡ khó khăn trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống; giúp các em trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tự tin vươn lên xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Đây là nét mới, thể hiện sự sáng tạo và tâm huyết trong công tác an sinh xã hội, khuyến học, cũng như khẳng định sự lan tỏa của tinh thần nhân ái, vì cộng đồng ở Hà Tĩnh.

Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Ra đời từ những năm đầu tái lập tỉnh, hơn 30 năm qua, Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách, nguồn lực ưu tiên cho trẻ mồ côi; tình yêu thương của những người cha, người mẹ nơi đây; sự đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng đã giúp các em nhỏ trưởng thành. Những mầm xanh khát vọng đang vươn tới tương lai trên con đường rộng mở.
Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Quỹ khuyến học dành riêng cho "học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học" lần đầu tiên được Hà Tĩnh thành lập, vận hành qua 3 năm học, đã và đang tiếp tục khẳng định sức lan tỏa của một chủ trương giàu tính nhân văn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 318 sinh viên được hỗ trợ từ quỹ cấp tỉnh và các địa phương hầu hết đều đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt, trong đó nhiều em đã tốt nghiệp đại học, tự tin bước tới tương lai.

NỘI DUNG: NHÓM P.V CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

ẢNH: PV - CTV

THIẾT KẾ: CÔNG NGỌC

(Còn nữa)

Chủ đề Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.