Có một thứ duy tâm cần nuôi dưỡng

(Baohatinh.vn) - Thông thường, mọi thành bại ở đời đều do tính toán duy lý của con người quyết định. Thế nhưng, có thứ duy tâm mà hàng nghìn năm qua, người ta vẫn tin rằng, duy trì điều ấy thì đời sống mỗi người sẽ tốt tươi và sự nhiệm mầu sẽ đến.

Có một thứ duy tâm cần nuôi dưỡng

Đại diện Hội đồng hương xứ Nghệ trao quà cho gia đình cháu Trần Bảo Long ở khối 3, thị trấn Nghèn, Can Lộc (Hà Tĩnh) bị bệnh hiểm nghèo (Ảnh: Đạt Võ)

Tích cực giúp đỡ những cảnh đời éo le, kém may mắn trong cuộc sống - người ta tin làm điều ấy sẽ tạo phúc đức ngay giữa cuộc trần. Chưa một lý thuyết nào, kể cả giáo lý Phật giáo chứng minh được rằng, thuyết duy tâm ấy là có căn cứ.

Vậy nhưng, họ vẫn cứ tin và thực hành điều ấy một cách hoàn toàn tự nguyện và nhẹ nhõm, bởi người ta tin làm điều thiện thì sẽ đón nhận những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và thậm chí cả hậu thế. Có chăng, giữa triết lý dân gian và giáo lý nhà Phật bắt gặp nhau ở điểm: cuộc đời luôn vận hành theo thuyết nhân – quả và gieo nhân nào, gặt quả ấy.

Tất nhiên, nhân và quả ở đây khác với lý thuyết triết học biện chứng, bởi biện chứng là hành trình suy lý, tựa như: bị kỷ luật là do sai phạm; có sấm sét vì sự va chạm của các đám mây.

Chính từ niềm tin ấy mà khi kinh tế càng phát triển, các hành động thiện nguyện ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng vào quỹ Vì Người nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Ngoài con đường ấy, chưa thể ai tính toán được có bao nhiêu cuộc hành hương thiện nguyện không kết nối qua các tổ chức chính quyền.

Những người rộng lòng ấy mong muốn san sẻ yêu thương để cuộc sống những người kém may mắn đỡ đi phần nào vất vả. Còn họ, nhận về sự ấm áp trong lòng và niềm tin cuộc sống tươi đẹp, cũng là gieo lòng thiện cho con. Cô bạn học của tôi hiện là giáo viên, cuộc sống rất bình thường mới vừa đây, đã gửi cho tôi 300.000 đồng để chuyển tới ông Tuy, bà Nuôi (gần 80 tuổi) đang nuôi anh Lành (gần 50 tuổi) – bị tâm thần (ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) với lời nhắn: “Của ít lòng nhiều bạn nhé. San sẻ yêu thương, mỗi người một ít”.

Sau một hồi trò chuyện, bạn tôi nhắn: “Tu tâm là chính. Bản thân mình nghĩ nên làm điều thiện ở đời này, bởi vậy, không bao giờ mình đi chùa chiền cả”.

Lại nghĩ, đây đó, sau những sự ra đi đột ngột của “người hiền”, người đời thường hay than phiền và cả viết status trên facebook rằng: sao người tốt thường hay thiệt phận! Thực ra, lời cảm thán ấy nặng về tiếc nuối hơn là ghi nhận thực trạng. Bởi lẽ, trong từng ngày từng tháng, có biết bao người trẻ tuổi đã mãi mãi ra đi, bao nhiêu người đang chờ ngày sắp tới; trong số đó, không ít những kẻ thiếu thiện tâm, hay làm những “điều ác”.

Bởi vậy, đừng tin vào suy luận hình thức để rồi khiêm tốn, khắt khe về lòng thương. Sự ra đi không may của nhiều người rộng lượng đã nhận lại bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiêu sự để tâm của người đời - phía khác, cũng là nhận lại yêu thương sau khi đã kiên trì gieo yêu thương vào đời sống.

Có một thứ duy tâm cần nuôi dưỡng

Ngày càng nhiều người quan niệm và thực hiện khi có dịp: Làm điều thiện trong cuộc đời, chia sẻ khó khăn với người kém may mắn

Từ đầu năm đến Rằm Tháng Giêng, người ta nô nức đến đền chùa, trong số đó có không ít kẻ buôn thần bán thánh, thậm chí “hối lộ” thánh thần bằng tiền mặt. Ngày mùng 8 tháng Giêng, tại Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội), nhà chức năng tính toán phải có hơn 4.000 người la liệt xếp hàng chờ dâng sao giải hạn; hàng loạt lễ hội cướp manh chiếu, cướp ấn… hết sức thô thiển để mong được đấng siêu linh ban phước.

Hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay Phật, vào điện thờ thể hiện sự mê muội đến mức lố bịch, những mong thần, phật độ trì đã dần xuất hiện tại Hà Tĩnh như tại đền Củi, đền Lê Khôi (Thạch Hà).

Có một thứ duy tâm cần nuôi dưỡng

Bao nhiêu tiền mua vật phẩm đã biến thanh than, còn chủ nhân hẳn chi đã may mắn (Ảnh: Lê Khánh Thành)

Chỉ tính riêng ở Hà Tĩnh, hơn 26 ngàn hộ nghèo, trong đó có những cảnh đời đối mặt với bệnh tật đang cần nhận được điều thiện từ rộng rãi xã hội hơn là cơ man người cứ gửi lòng tốt chấp nhận "không nhận phản hồi", thậm chí rải kinh phí vô tư nơi chùa chiền, điện thánh.

Hành thiện tích đức, trước hết, hãy làm điều thiện ở đời này, vì sự tươi đẹp trong tâm hồn và cũng vì kiến tạo một xã hội đạo đức, rộng lòng thương... Lại nhớ cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng lý giải lý do ông sống, tựa như bao người thấy sự vô nghĩa và hạn hữu của bản thân: “Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng, vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim”.

  • Có một thứ duy tâm cần nuôi dưỡng
    Nhếch nhác, lãng phí vẫn còn diễn ra tại các đền, chùa ở Hà Tĩnh

    Với sự quan tâm của ngành chức năng, các địa phương và ban quản lý các di tích ở Hà Tĩnh, đầu mùa lễ hội năm nay, sự lộn xộn, nhếch nhác trong khi hành lễ đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, tại các đền chùa vẫn còn không ít hình ảnh phản cảm, đòi hỏi các giải pháp quản lý quyết liệt và tuyên truyền hiệu quả hơn.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast