Khó có bất ngờ phút chót
Trong suốt một thời gian dài, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã nỗ lực đàm phán về vấn đề bản quyền truyền hình Asiad 2018. Tuy nhiên, cũng giống như bản quyền World Cup 2018, VTV bị đối tác “hét giá” lên tới 3-4 triệu USD. Đây là số tiền mà VTV không thể đáp ứng bởi nó vượt xa dự trù ban đầu và cao một cách vô lý.
Theo một lãnh đạo VTV, phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc - đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội bản quyền sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam, đặt ra quá cao và nhất quyết không hạ giá. VTV tính chỉ mua bản quyền các trận đấu của U23 Việt Nam, nhưng đối tác chỉ bán trọn gói, vì thế mà hai bên không đạt được sự thống nhất.
Đối tác kiên quyết không hại mức giá bán bản quyền Asiad 2018, khiến VTV buộc phải "nói không" với giải đấu này |
Đại diện VTV cho biết: “VTV luôn nỗ lực hết sức, nhưng mức giá phải nằm trong khả năng của mình. Điều kiện tiên quyết để VTV có thể tiến hành thương thảo là đối tác phải thay đổi mức giá đã chào trước đây. VTV vẫn chờ đến phút cuối xem đối tác có hạ giá xuống mức chấp nhận được hay không”.
Tuy nhiên đến thời điểm này, tức là chỉ còn 4 ngày nữa môn bóng đá nam sẽ bắt đầu khởi tranh, vấn đề bản quyền Asiad vẫn không có thêm diễn biến mới sáng sủa nào với VTV. Đối tác dường như sẵn sàng bỏ hẳn thị trường Việt Nam, quyết không giảm 1 xu với bản quyền truyền hình Asiad 2018, để tránh bị "ép giá ngược" những sự kiện lớn sắp tới.
Điều đó cũng có nghĩa, VTV rất khó có thể mua bản quyền trong phút chót, như từng mua bản quyền World Cup 2018 đầy ngoạn mục hồi đầu tháng 6.
Các đài truyền hình không cử phóng viên tác nghệp Asiad
Thông tin từ Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam đã từ chối cấp thẻ phóng viên tác nghiệp cho các đài truyền hình Việt Nam, sau khi nhận được thông báo từ BTC nước chủ nhà Indonesia về vấn đề bản quyền. Chỉ có các thẻ phóng viên ảnh, viết mới được cấp thẻ để tác nghiệp ở sự kiện Asiad.
BTC mới chỉ cấp thẻ cho các phóng viên ảnh, viết tại Việt Nam. Ảnh S.N |
Trước đó, VTV lên kế hoạch cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên gồm 9 người đến Indonesia từ ngày 11/8 để tác nghiệp. Đây là số lượng phóng viên đông nhất từ trước đến nay của VTV cử đi tác nghiệp tại Á vận hội. Tuy nhiên, với việc BTC Asiad đưa ra “lệnh cấm” với các phóng viên truyền hình, VTV khả năng sẽ phải thay đổi lại kế hoạch của mình.
Ngoài VTV, các đài như VTC, K+… cho biết cũng không có kế hoạch cử phóng viên sang Indonesia tác nghiệp về Asiad. Phương án khả thi nhất với các đài này là đăng ký suất tham dự cùng đoàn TTVN theo diện “cán bộ đoàn”, nhưng cũng rất khó khăn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn cho biết: “Vấn đề bản quyền truyền hình năm nay BTC làm rất chặt. Khi mà Việt Nam không mua được bản quyền truyền hình thì các đài phải làm đúng với quy định.
Người hâm mộ không được xem trực tiếp các trận đấu của U23 Việt Nam trên sóng truyền hình. Ảnh S.N |
Việc không được phát trực tiếp các trận đấu của U23 Việt Nam cũng như các môn thi đấu khác là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, người hâm mộ quê nhà vẫn có thể theo dõi qua các kênh khác như báo giấy, báo điện tử…”.
Thực ra, người hâm mộ Việt Nam vẫn luôn tìm được cách xem “lậu” những giải đấu lớn, Asiad cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, xem kiểu như này sóng vừa không ổn định, vừa không “đã mắt”, hơn nữa việc tiếp cận công nghệ ở những vùng sâu, vùng xa là rất khó.