Số tiền phát hiện trên hình tròn đường kính giao động từ 2,2cm đến 2,6cm; giữa đục lỗ vuông; mặt trước đúc nổi 4 chữ Hán ghi niên hiệu triều vua đúc tiền, xung quanh tạo viền tiền, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo chống bào mòn.
Đồng Minh Đức thông bảo của Mạc Đăng Dung rất hiếm gặp ở Hà Tĩnh
Tiền Việt Nam có 24 loại bao gồm tiền thời thời Lê Sơ (thế kỷ 15), thời Mạc, thời Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn, thời Nguyễn (thế kỷ 19-20).
Tiền Trung Quốc 44 loại trải dài từ thời nhà Đường, Ngũ Đại Thập Quốc, Bắc Tống, Kim, Nguyên, Minh, Thanh.
Tiền Nhật Bản có tiền mậu dịch Nguyên Phong thông bảo. Tiền chúa Nguyễn có đồng Thái Bình thông bảo.
Một số đồng tiền Việt Nam và Trung Quốc phát hiện ở xã Bình An
Trong số tiền phát hiện trên, đồng Khai Nguyên thông bảo có niên đại sớm nhất: 713 – 741 của Trung Quốc. Đồng Bảo Đại thông bảo có niên đại muộn nhất: 1925 – 1945 của Việt Nam.
Đặc biệt, có nhiều loại tiền được phát hiện ít xuất hiện ở Hà Tĩnh như đồng Đại Bảo thông bảo của vua Lê Thái Tông (1440 - 1442), Minh Đức thông bảo của Mạc Đăng Dung của Việt Nam; đồng Đường Quốc thông bảo của Đường Nguyên Tông (960 - 961), Chí Đại nguyên bảo của Nguyên Vũ Tông (1310 - 1311).
Tiền Đại Bảo thông bảo thời Lê Sơ
Thư pháp trên các đồng tiền khá đa dạng. Tiền Trung Quốc bao gồm cả triện thư như đồng Nguyên Phong thông bảo, Hy Ninh thông bảo, Nguyên Hựu thông bảo; lệ thư như đồng Hoàng Tống thông bảo; hành thư Thánh Tống thông bảo; khải thư như đồng Vĩnh Lạc thông bảo, Đại Quan thông bảo, Hồng Vũ thông bảo; thảo thư như đồng Chí Đạo nguyên bảo.
Còn tiền Việt Nam thư pháp chủ yếu là chân thư, được đúc sắc nét, dễ đọc.
Số lượng tiền cổ phát hiện đợt này là nguồn tư liệu quý góp phần nghiên cứu di sản văn hóa, tình hình nội, ngoại thương, giao thương hàng hóa trong lịch sử, đồng thời là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng để phát triển du lịch.