Việt Nam đang đứng đầu bảng D với chỉ số phụ cao hơn Nhật Bản sau lượt trận đầu tiên. Ảnh: Lâm Thỏa.
"Truyền thông Nhật Bản đều cho rằng Việt Nam có ảnh hưởng tới đến vị trí của họ, cũng như đối thủ ở vòng 1/8", tờ Sina viết. "Ở giải U23 châu Á đầu năm 2018, Việt Nam giành vị trí á quân. Họ giữ nguyên bộ khung đó đến Asiad, bên cạnh việc bổ sung ba cầu thủ trên 23 tuổi. Dù người hâm mộ Nhật Bản không đánh giá cao Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu rằng Việt Nam là một đối thủ mạnh. Nhật Bản cần ghi nhiều bàn nhất có thể ở vòng bảng, nhưng họ lại chỉ thắng Nepal 1-0".
Tờ Ifeng thì bình luận:"Sau khi thắng Pakistan, Việt Nam còn gặp Nepal và Nhật Bản. Do Nepal bị coi là đội yếu nhất, chiến thắng xem như đã nằm chắc trong tay Việt Nam. Còn Nhật Bản chỉ cử đội U21 dự giải, nên Việt Nam có cơ hội lớn nhất để giữ đỉnh bảng".
Để chuẩn bị cho Olympic 2020 trên quê nhà, Nhật Bản chỉ cử đội U21 dự giải. Cầu thủ của họ đều chỉ sinh sau năm 1997. Thầy trò HLV Hajime Moriyasu chỉ đánh bại Nepal ở trận đầu với tỷ số tối thiểu, dù thông số áp đảo. Và người Nhật Bản có lý do để lo lắng cho khả năng đội nhà chỉ có thể đi tiếp ở vị trí thứ hai. Điều này dẫn đến việc họ có thể đụng ứng viên vô địch - Hàn Quốc - tại vòng 1/8.
Trên trang Jsports, cây viết người Nhật Bản Kenji Goto hiểu rõ trận cuối gặp Việt Nam mang tính quyết định: "Chênh lệch trình độ với Pakistan cho thấy Nhật Bản sẽ thắng nhẹ nhàng. Vì thế HLV Moriyasu cần thử nghiệm, cho trụ cột nghỉ ngơi ở trận này. Chúng ta sẽ dồn hết sức khi gặp Việt Nam".