Sáng 27/6, tại Sư đoàn 301, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng 63 bác sỹ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 2) đã thực hành tổng hợp xử lý tình huống và vận hành bệnh viện. Đây là những bài tập cuối cùng trong đợt huấn luyện kéo dài 12 ngày của bệnh viện trước khi lên đường đến Nam Sudan (châu Phi) thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hoà bình Liên Hiệp Quốc.
Một trường hợp bị thương nặng được đưa vào phòng cấp cứu để các bác sỹ thăm khám. Các thao tác được tiến hành qua khẩu lệnh bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đợt huấn luyện này, chuyên gia quốc tế đưa ra 8 tình huống giả định khác nhau và không thông báo trước để đội ngũ bác sỹ của bệnh viện dã chiến Việt Nam cấp cứu theo đúng thực tế. Ngoài tình huống y tế, trường hợp bệnh viện phải sơ tán do bị ném bom cũng được đưa ra.
Tại phòng cấp cứu, các bác sỹ phân công xử lý ban đầu với vết thương, chẩn đoán chấn thương và lấy thông tin cơ bản của bệnh nhân. Từ đó bác sỹ điều hành đùng bộ đàm thông báo đến các khoa liên quan chuẩn bị cho việc phẫu thuật.
Công tác sơ cứu ban đầu gồm tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân, tiến hành cầm máu tạm thời.
Các bác sỹ chuyển bệnh nhân sang giường mổ tại phòng phẫu thuật. Trước đó người này được chụp X - quang; toàn bộ hồ sơ thu thập trong phòng cấp cứu đều chuyển sang phòng phẫu thuật. Toàn bộ quá trình diễn tập có chuyên gia nước ngoài và Học viện Quân y quan sát, chấm điểm. "Những thiếu sót trong quá trình khám chữa bệnh sẽ được chúng tôi đánh dấu và nhắc nhở các bác sỹ để hoàn thiện kỹ năng trước khi lên đường sang Nam Sudan", một chuyên gia nói.
Cùng thời gian diễn ra ca mổ ở phòng phẫu thuật, tại khoa răng, bác sỹ cũng xử lý cho một bệnh nhân khác."Bệnh viện luôn phải sẵn sàng cho tình huống có nhiều người cấp cứu cùng một lúc", bác sỹ nói. Liên Hợp Quốc yêu cầu bệnh viện dã chiến cấp hai phải đủ năng lực điều trị cho 40 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày; hồi sức cấp cứu và vận chuyển các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; thực hiện 3, 4 ca phẫu thuật có gây mê mỗi ngày; nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; có hai đội y tế cấp cứu cơ động ngoài bệnh viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế, thuốc chữa bệnh trong các tình huống...
Với tình huống giả định bệnh nhân bị gãy tay, các bác sỹ tiến hành cố định vết thương sau đó chuyển bệnh nhân đến phòng phẫu thuật.
Toàn bộ các trang thiết bị sử dụng trong đợt diễn tập trùng khớp với thực tế tại Nam Sudan. Các chuyên gia quốc tế đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo vệ sinh, sát trùng trong quá trình cứu chữa bệnh nhân. Tháng 10/2019, bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 2) sẽ lên đường sang Nam Sudan thay cho bệnh viện dã chiến số 1 (gồm 63 người đến châu Phi tháng 10/2018). Ngoài chuyên môn y học, các bác sỹ phải học thêm tiếng Anh theo đúng chuẩn Liên Hợp Quốc đã đề ra.