Bổ sung nhiều giống lúa chất lượng vào cơ cấu các trà lúa

Xác định công tác giống tiếp tục là hạt nhân quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vụ đông xuân 2009 - 2010, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh tiếp tục đưa các loại giống lúa mới vào khảo nghiệm, bước đầu đã giành được những kết quả khả quan.

Kỹ sư Nguyễn Đức Thục - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và được sự đồng ý của Giám đốc Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2009 - 2010 này, đơn vị mạnh dạn đưa 21 giống lúa mới vào khảo nghiệm, trong đó nhóm xuân trung có 12 giống (lấy giống IR1820 làm giống đối chứng), nhóm xuân muộn 9 giống (lấy giống Hương thơm 1 và Khang dân 18 làm giống đối chứng); địa điểm khảo nghiệm là xã Thiên Lộc (Can Lộc).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cùng đại diện các ngành, địa phương tham quan các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cùng đại diện các ngành, địa phương tham quan các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới

Trong nhóm giống thuộc trà xuân trung, có 6/12 giống được xác nhận là giống chất lượng gồm: P290, XT28, P6, AC5, PD211, JO2. Nhóm giống xuân muộn, có 6/9 giống được công nhận là giống chất lượng gồm: HT1, HT9, ĐTL1, NTL1 (nếp), Gia Lộc 3, QR1 (DT-CL1).

Từ ngày 15 - 12 - 2009, các nhóm giống xuân muộn bắt đầu gieo mạ, đến ngày 21 - 1 - 2010 tiến hành cấy và từ ngày 2 - 23 - 4 thì trổ bông. Kết quả cho thấy, thời gian sinh trưởng của các loại giống thuộc nhóm này có sự chênh lệch khá lớn (giống ngắn nhất là 138 ngày (PD211) và dài nhất là 158 ngày (Xi23) và chiều cao cây (cây thấp nhất đạt 92 cm, cây cao nhất đạt 110 cm) có nhiều khác biệt.

Tương tự, nhóm giống xuân muộn bắt đầu gieo mạ từ ngày 10 - 1, đến ngày 5 - 2 thì tiến hành cấy và từ 15 - 23-4 thì cây trổ bông. Qua theo dõi cho thấy, thời gian sinh trưởng của nhóm giống này ổn định hơn (giống ngắn nhất là 125 ngày (QR1 và CNT), giống dài nhất là 133 ngày (HT9), song, chiều cao cây cũng có sự chênh nhau (cây thấp nhất đạt 73 cm, cây cao nhất đạt 108 cm).

Về phản ứng với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh, các giống đều ít nhiều bị nhiễm nhưng tỷ lệ không cao, khá nhất là X33, M6, JO2 (nhóm xuân trung) và QR1, TBR36 (nhóm xuân muộn).

Về năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất, do giai đoạn trổ bông các lúa đều bị ảnh hưởng của gió mùa và rét nên tỷ lệ lép khá cao (từ 15 - 29%) nên kết quả thu về không đạt như mong muốn, cụ thể, năng suất dự kiến của nhóm xuân trung đạt từ 42 tạ/ha (Xi23) - 60,5 tạ/ha (X33) và năng suất dự kiến của nhóm xuân muộn từ 35 tạ/ha (NTL1) - 60 tạ/ha (TBR36).

Đánh giá chung, năng suất các giống vượt đối chứng có ý nghĩa từ 11% gồm: X33 (vượt 26%), XT28 (vượt 18%), JO2 (vượt 11%), SL12 (vượt 13,8%), HT9 (19%), QR1 (vượt 22%), CNT (vượt 12%), TBR36 (vượt 21%).

Trên cơ sở các kết quả khảo nghiệm trên, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh kết luận, các giống đưa vào khảo nghiệm đợt này đều cho năng suất vượt hoặc chí ít thì tương đương với giống đối chứng, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, thích ứng với điều kiện tự nhiên ở tỉnh ta, nổi bật là: X33, P290, SL12, XT28, TBR36, JO2, AC5, QR1; các giống M6, CH207 chịu mặn và chịu hạn khá.

Riêng nhóm giống chất lượng, tuy năng suất không cao hơn nhiều so với giống đối chứng nhưng đưa lại hiệu quả kinh tế cao như: P290, PD211, AC5, JO2, ĐTL1. Hai giống ngắn ngày CNT và QR1 phù hợp cơ cấu vụ hè thu.

Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn, cán bộ, kỹ sư, công nhân viên kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng kiến nghị, cho bổ sung và mở rộng diện tích gieo trồng giống P290 vào cơ cấu trà xuân trung, SL12 và AC5 vào đầu trà xuân muộn; tiếp tục cho sản xuất thử để khu vực hóa giống X33, XT28, JO2, ĐTL1, HT9, TBR36, QR1 trong các vụ tiếp theo; tiếp tục cho khảo nghiệm trên diện rộng các giống PD211, M6, Gia Lộc 3 để có kết luận chính xác hơn về năng suất, tính chống chịu ngoại cảnh nhằm bổ sung vào bộ giống lúa ở các vụ sau.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đề nghị tác giả các giống sử dụng trong đợt khảo nghiệm này cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc nhằm nâng cao độ thuần và đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế trong sản xuất giống; hỗ trợ các địa phương chuyển giao kỹ thuật, quy trình thâm canh để từng bước mở rộng diện tích gieo trồng các giống có ưu thế.

Về phía các địa phương, đơn vị khuyến cáo, tùy theo điều kiện cụ thể để bố trí đưa các giống lúa trên vào cơ cấu hợp lý trong từng mùa vụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast