Các địa phương phải chủ động phương án ứng phó với cơn bão số 11

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW, UBQG Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên vừa tổ chức họp trực tuyến về công tác triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 11. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì đầu cầu Hà Nội. Chủ trì đầu cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ phát biểu tại cuộc họp

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo PCLB TW, UBQGTKCN đã ban hành 4 công điện chỉ đạo các địa phương miền Trung triển khai đối phói với bão số 11, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn tàu thuyền và ngư dân trên biển, sơ tán ven biển; đảm bảo ATGT trong lũ, điều tiết hồ chứa, thủy điện; Ban Chỉ huy PCLB&TJCN tỉnh cũng đã có công điện số 23/CĐ-PCLB ngày 11/10 và Công điện 24/CĐ-PCLB ngày 21/10 để chỉ đạo các địa phương và các ngành chủ động triển khai đối phó với bão số 11...

Phát biểu tại cuộc hợp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ cho biết: "Tính đến 17 giờ ngày 12/10, toàn bộ tàu cá của Hà Tĩnh đã nắm thông tin về bão số 11 (cả tỉnh có tổng 3.898 tàu thuyền, với 14.145 lao động). Trong đó, 96 tàu, 672 người ở vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; 3 tàu, 30 người ở vùng biển Bình Thuận - Đà Nẵng và 3.799 tàu, 13.443 người hoạt động ở vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An. Cùng với đó, các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên cũng đã sẵn sàng việc di dời dân tùy theo cấp độ của bão. Đối với các hồ đập, đê điều, công trình dự án đang thi công, tỉnh cũng chỉ đạo có cần gấp rút triển khai phương án đảm bảo an toàn. Các đoàn công tác của tỉnh cũng sẽ xuống tận cơ sở để triển khai phương án ứng phó đặc biệt là "4 tại chỗ" nhất là tại các vùng xung yếu."

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định đây là cơn bão có diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền người dân chủ động các phương án ứng phó; Tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, các cơ quan đại chúng thường xuyên cập nhập các tình hình, diễn biến của cơn bão để thông tin kịp thời xuống tận người dân. Các địa phương phải phân công cán bộ xuống tận cơ sở để chỉ đạo, theo dõi sát sao tình hình của cơn bão để chủ động các phương án đối phó. Đặc biệt, tại các vùng tâm bão, khi cơn bão đổ bộ vào thì phải cấm các phương tiện không được lưu thông trên các tuyến.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói