Căn bệnh "ám ảnh" nhiều người khi trời trở lạnh

Nổi mề đay không loại trừ bất kỳ ai, người bị chứng dị ứng này phải chung sống với nó suốt đời.

BS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nguyên Trưởng khoa Nhi - Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pon) cho biết, có rất nhiều nhóm dị ứng khi thời tiết thay đổi như người bệnh có thể bị viêm mũi dị ứng khiến mũi bị viêm, sưng tấy, dị ứng mắt, nhức đầu, hen suyễn… trong đó có nổi mề đay.

Ảnh minh họa.

Cũng theo BS. Thường, dị ứng nồi mề đay thời tiết là bệnh có liên quan tới hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Bệnh này không loại trừ ai nhưng gặp nhiều ở trẻ em vào thời điểm giao mùa và thời tiết thay đổi đột ngột, vì hệ miễn dịch ở trẻ chưa được hoàn thiện một cách tốt nhất. Khi thời tiết giao mùa, trẻ dễ bị tác động bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm…

Nhận biết bệnh

Để nhận biết bệnh nổi mẩn mề đay, theo BS. Thường, đó là trên bất kỳ vùng da nào cũng có thể xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng nhạt hoặc đỏ tía, sưng, phù nề, hình dạng có khi vòng tròn, có khi vệt dài hoặc hình ô van… khiến người bệnh rất khó chịu và cơ thể luôn trong trạng thái ngứa ngáy. Tuy nhiên, càng gãi càng ngứa. Có những trường hợp, người bệnh vì không kiềm chế được cơn ngứa đã dùng tay gãi tới chảy máu nhưng vẫn không hết ngứa.

“Không có biện pháp tuyệt đối nào có thể giúp con người chống lại hiện tượng tự nhiên, người bệnh sẽ phải hứng chịu cả đời với căn bệnh này nhưng cũng tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe ở từng thời kỳ, loại thuốc dị ứng sử dụng mà bệnh có những chuyển biến và biểu hiện khác nhau. Cũng có người vì muốn hạn chế bệnh nổi mề đay mà phải thay đổi chỗ ở”, BS. Nguyễn Văn Thường cho biết.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng chỉ ra, người bị dị ứng mề đay nên kiêng tất cả những thứ dễ gây dị ứng và chú trọng đến sự thay đổi thời tiết để có những ứng phó công dụng nhất.

Điều không thể bỏ qua, theo BS. Nguyễn Văn Thường, người bệnh phải luôn chuẩn bị sẵn thuốc điều trị dị ứng theo chỉ định của bác sĩ và phải tới bác sĩ chuyên khoa thăm khám khi bệnh bùng phát ở mức cấp tính.

Thêm nữa, với những người có cơ địa dị ứng nên tránh các dị nguyên, với những người lớn không hút thuốc lá, thuốc lào, không dùng đồ uống có cồn, không tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa… Với trẻ, cũng nên để các bé tránh xa các yếu tố đó. Đây là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát.

Theo emdep.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói