Cánh đồng mùa gặt…

(Baohatinh.vn) - Tháng 8, những con nắng không còn gay gắt đất trời Hà Tĩnh nữa. Nắng trốn vào trong quả hồng, quả bưởi, trong những buồng chuối vàng hươm. Nắng như được gom lại trong bàn tay vô hình, chờ đợi một ngày đổ ào vào bông lúa. Cánh đồng như được khoác thêm chiếc áo mới, tươi màu ấm no...

Tháng 8, những con nắng không còn gay gắt đất trời Hà Tĩnh nữa. Nắng trốn vào trong quả hồng, quả bưởi, trong những buồng chuối vàng hươm. Nắng như được gom lại trong bàn tay vô hình, chờ đợi một ngày đổ ào vào bông lúa. Cánh đồng như được khoác thêm chiếc áo mới, tươi màu ấm no...

Lúa. Với người dân Việt Nam là một loại cây gần gũi, gắn bó suốt cả cuộc đời. Bởi thế, dù lớn lên trên đồng ruộng hay chốn thị thành, đứa trẻ nào cũng có một tình cảm thiêng liêng với cây lúa. Để bất kỳ lúc nào cũng có thể tự hào mà cất lên câu ca dao quen thuộc: “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”.

Không phải là đứa trẻ được sinh ra ở làng quê nhưng tôi đã có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, bờ bãi. Tình yêu với đồng ruộng, với những mùa lúa chín cũng đến tự nhiên như hơi thở. Và những mùa hè được lẫn trong rơm rạ, trong hương lúa mới đã trở thành những hình ảnh trong trẻo, "đóng đinh" trong miền ký ức đẹp đẽ của tâm hồn.

Mùa gặt bắt đầu trong tôi bằng những xắm nắm, sửa soạn của bố mẹ để về quê giúp ông bà. Tôi và em ngồi sau xe mẹ còn bố sẽ đèo bao tải lỉnh kỉnh những dây buộc, thực phẩm được mẹ chuẩn bị từ khi lúa bắt đầu ngả vàng. Mờ sáng, khi chúng tôi về đến ngõ thì trong nhà đã rộn rạo tiếng nói cười. Đó là lúc nhà ông bà nội quây quần đầy đủ nhất các thành viên trong gia đình. Phía góc nhà, bà nội tôi đã chuẩn bị sẵn những đôi gióng mây, những chiếc đòn gánh và những chiếc liềm đã được cắt chấu sáng bóng.

Chị em chúng tôi theo ông bà, bố mẹ và các o, chú ra đồng. Mùi đất ẩm, mùi lúa chín len vào từng nhịp phân tách của tế bào. Những bông lúa vàng hươm màu nắng vừa rời tay gặt của bà, của mẹ đã theo nhịp gánh đẫm mồ hôi của ông tôi, bố tôi, chú tôi về sân. Tôi đã đi trong mùi hương đồng nội ấy qua bao cánh đồng, qua bao tuổi đời thơ ấu. Tuổi thơ của tôi đã lẫn vào trong lúa vàng, lẫn vào trong rơm rạ, lẫn vào trong nỗi nhọc nhằn của ông bà, bố mẹ. Để ngay cả khi chưa lớn, khi chưa có nhiều nhận cảm, tôi đã biết yêu bông lúa, đã biết ơn cánh đồng…

Hương lúa ngọt lành nuôi lớn bố mẹ tôi, ươm dưỡng tâm hồn lũ trẻ chúng tôi bằng những kỷ niệm bình dị, thuần khiết. Bây giờ, khi tôi đã lớn, khi ông bà tôi đã về bên kia thế giới thì mỗi mùa gặt trở về, chúng tôi vẫn hẹn nhau về làng, nấu một nồi cơm gạo mới, dâng lên ban thờ, cùng nhớ về tổ tiên, ông bà, nhớ về những mùa gặt nhọc nhằn mà thắm đượm tình quê.

Có lẽ bất kỳ ai có trong mình ký ức những mùa gặt nhọc nhằn đều cảm thấy sự kỳ diệu của đời sống khi chứng kiến những cỗ máy hiện đại băng băng trên cánh đồng. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự đổi mới tư duy sản xuất của người nông dân đã giúp họ giải phóng được sức lao động. Thay cho những thửa ruộng vá chằng vá đụp là những cánh đồng mênh mông, thẳng cánh cò bay. Đó cũng là cơ hội để những cỗ máy gặt đập khổng lồ “3 trong 1” có mặt trên đồng giúp người nông dân rút ngắn được thời gian thu hoạch.

Không thể nhớ nổi mình đã gắn bó với bao nhiêu mùa lúa chín nhưng ông Hà Văn Quỳnh (thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) vẫn nhớ như in từng nỗi nhọc nhằn trên đồng ruộng. Bởi thế mà khi gặp ông đang ngắm nhìn chiếc máy gặt đập tới lui trên đồng, tôi đã cảm nhận được niềm vui lớn lao trong đôi mắt ông. Ông nói, ông sinh ra ở làng quê, bấy nhiêu năm tuổi đời là bấy nhiêu năm gắn bó với lúa ngô. Lên 6, lên 7 đã biết cầm liềm gặt lúa, đã biết giúp cha mẹ phơi lúa trên sân. Thuở ấy, cha mẹ ông đã phải cực khổ nhường nào khi tất cả các khâu đều phải đem sức người ra làm lụng. Nếu như trước đây, gặt một sào lúa mất cả buổi, rồi lại mất thêm 1 buổi tuốt để phơi thì nay máy móc giải quyết gọn gàng chỉ trong vài ba chục phút.

Sáng nay, “con máy” hiện đại ấy vừa giúp ông Quỳnh giải quyết hơn 1 sào lúa. Vừa thu dọn, ông Quỳnh vừa nói như reo: “Được chẵn 10 bì cháu ạ. Hoá ra, kinh nghiệm “bờ phải cày, bờ phải cỏ” của cha ông mình bây giờ không đúng nữa rồi. Bờ phải phá hết để thêm diện tích lúa, để máy chạy băng băng. Vụ lúa này chắc cũng đạt tầm 2,7 tạ/sào đó cháu ạ, hè thu mà như rứa là thắng rồi”.

Nói rồi ông nhanh chân bước ra những đám ruộng ngoài xa để kiểm tra độ chín. Tôi nhìn theo người đàn ông đã ngoài 70 tuổi ấy mà nhớ về ông bà mình, trong lòng trào dâng một nỗi niềm vừa đằm sâu thương cảm, vừa rưng rưng hạnh phúc trước sự đổi thay của đời sống.

Cũng thật hữu duyên khi tôi lại có cơ hội được gắn bó với những mùa gặt, với người nông dân trong công việc của mình. Tôi đã được chứng kiến những cánh đồng mẫu bội thu ở Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên… Tôi cũng đã từng được gặp rất nhiều người nông dân tiến bộ, biết thay đổi tư duy làm theo chủ trương mới. Ở đâu người nông dân nhanh nhạy, biết nắm lấy cơ hội thì ở đó có sự đổi thay.

Vừa mới hôm qua, trong chuyến công tác của mình, tôi đã gặp một người nông dân như thế. Ông Lê Mạnh Hùng là nông dân lại vừa là Bí thư Chi bộ của thôn Đông Nam Lộ (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên). Tuy thuộc thế hệ nông dân cũ, đã quen với tập quán sản xuất manh mún, “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nhưng từ năm 2017, khi xã vận động thôn làm điểm phương thức sản xuất “phá bờ vùng, bờ thửa”, ông là người hăng hái đi trước.

Ông chia sẻ, ban đầu người dân cũng e ngại, nhưng với sự kiên trì của mình, ông đã thắng. Với cam kết sẽ ghi sổ, cắm vè chu đáo, bà con đã đồng ý làm theo. Hiện nay, 60/65 ha lúa của thôn đã phá bờ thửa, chia làm 4 vùng, mỗi vùng 10 - 25 ha và chỉ canh tác 3 loại giống. “Nay mai lúa chín hẳn, máy vào chạy rẹt rẹt là xong. Không sâu bệnh, không chuột tấn công. Cơ giới hóa đã đẩy cao năng suất, chắc chắn vụ này sẽ đạt bình quân 60 tạ/ha đấy” – ông Hùng phấn khởi nói.

Trên những cánh đồng đang vào mùa thu hoạch, tôi còn được gặp rất nhiều những người nông dân tiến bộ khác. Họ, bằng sự đổi mới tư duy sản xuất đã tự giải phóng mình khỏi những vất vả, cực nhọc muôn thuở.

Làm nông, ở thời đại nào thì cũng phụ thuộc nhiều vào “ông trời”. Bởi thế, cùng với những mùa vàng bội thu, cũng có những cánh đồng thất bát. Hương vị mùa gặt vì thế cũng không chỉ thơm hương lúa mới mà còn mặn nỗi niềm của người nông dân. Vụ hè thu năm nay, trong khi những đồng lúa ở Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc …chín đượm bội thu thì những cánh đồng lúa ở các xã bãi ngang Thạch Hà, vùng núi Hương Khê lại lép hạt, xỉn màu.

Trên cánh đồng ở thôn Hòa Bình (xã Thạch Thắng, Thạch Hà), cắp ngang hông bao lúa vừa tuốt lên bờ, bà Hường than thở: “Ba sào sáu mà chỉ thu về được 1 tạ lúa đây cháu ạ. Dở khóc, dở mếu nhưng cũng phải phơi mà cất thôi”. Bà bảo, mặc dù cuối kênh tưới Kẻ Gỗ nhưng cái cực nhất của năm nay không phải nước tưới mà là nạn chuột. Thêm vào đó, đợt lúa trổ bông, ngày thì nắng, đêm gặp sấm, chớp khiến cho hạt lúa bị lép. 5 sào ruộng của gia đình bà, may lắm thu về được 5 tạ lúa.

Đắng đót hơn vùng bãi ngang, những cánh đồng lúa ở miền núi Hương Khê, Hương Sơn… lại phải trải qua một mùa nắng hạn khiến thân lúa xơ xác, còi cọc. Lúa không đơm bông, bông không chắc hạt nên nhiều người chỉ còn nước gặt về làm thức ăn cho trâu bò. Thế nhưng, không một ai ca lời oán trách ruộng đồng…

Mùa gặt đã về trên khắp ruộng đồng. Trong xôn xao niềm vui là những nỗi buồn thầm lặng. Dẫu vậy, những người nông dân mà tôi gặp đều nói về cánh đồng bằng tình yêu sâu sắc. Tôi biết, từ sâu thẳm trái tim, họ vẫn yêu và đợi chờ những mùa lúa chín. Như tôi và bao người Việt Nam khác…

Ảnh: Văn Đức

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói