Chuyên trang nhiếp ảnh du lịch Capture The Atlas đầu tháng 6 công bố danh sách 25 bức ảnh đẹp nhất trong 3.000 tác phẩm dự thi giải thưởng nhiếp ảnh thế giới chủ đề dải Ngân Hà. Các tác phẩm được thực hiện tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Nhật Bản, Madagascar, hay Thụy Sĩ
Đảo Socotra, Yemen
Bức ảnh được tác giả Benjamin Barakat chụp tại hòn đảo Socotra, thuộc Yemen, nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương. Nhiếp ảnh gia chia sẻ những đêm trên hòn đảo huyền bí Socotra “khó quên”. Những tán cây huyết rồng trên địa hình đất khô cằn của hòn đảo được soi rọi bởi bầu trời đầy sao nhiều màu sắc. “Bầu không khí ở đây trong lành, không ô nhiễm ánh sáng. Khung cảnh thiên nhiên nguyên thủy trên hòn đảo này như đưa tôi lạc vào thời cổ đại”, Barakat nói.
Biểu tượng của đảo Socotra là dracaena cinnabari (cây huyết rồng) có hình dạng như cây nấm hoặc chiếc ô khổng lồ, nhựa cây có màu đỏ như máu. Từ xa xưa, người dân bản địa đã dùng nhựa cây huyết rồng cho các mục đích y tế, thú y và cả mỹ phẩm. Hòn đảo được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2008.
Thị trấn Cafayate, Salta, Argentina
Bức hình này được chụp tại khu bảo tồn thiên nhiên ở thị trấn Cafayate, thuộc tỉnh Salta, Argentina. Những tinh vân đủ màu sắc qua ống kính của nhiếp ảnh gia Gonzalo Santile tựa dải cầu vồng trên bầu trời buổi tối. Santile chia sẻ anh phải căn đúng giờ xanh (blue hour), khoảnh khắc Mặt Trời nằm sâu bên dưới đường chân trời, bầu trời chuyển màu, để chụp dải Ngân Hà. Vị trí chính xác của bức hình là sa mạc Las Ventanas, sở hữu địa hình khô cằn, đất đỏ chứa sắt, thảm thực vật chỉ có những bụi xương rồng gai góc. Điểm đặc biệt ở khu vực này là những cột đá tự nhiên cao 9-18 m.
Hồ Mono, California, Mỹ
Bức hình này được nhiếp ảnh gia Marcin Zajac đặt tên là “khu rừng ngoài hành tinh”. Địa điểm ngoài đời thật là hồ nước muối Mono ở hạt Mono, bang California, Mỹ. Hồ rộng 183 km2, là một trong những hồ nước lâu đời nhất Bắc Mỹ. Độ mặn cao kết hợp với cacbonat, clorua và lưu huỳnh hình thành nên các cột đá vôi, lộ ra giữa lòng hồ khi mực nước xuống thấp.
Đại lộ cây bao báp, Madagascar
Bức hình “bầu trời đêm dưới rừng cây bao báp” được tác giả Steffi Lieberman chụp tại đại bộ Bao báp tại thành phố Morondava, nổi tiếng với những cây bao báp cổ thụ tuổi đời từ 400 đến 1.000 năm của Madagascar. Lieberman chia sẻ bức ảnh này có ý nghĩa lớn với cô. Để ghi hình vào ban đêm, nữ nhiếp ảnh gia phải vượt qua đường sá khó khăn, xin phép lực lượng an ninh. Thành quả là bức hình dải Ngân Hà huyền ảo vắt ngang qua rừng cây biểu tượng của châu Phi.
Đảo Tenerife, Tây Ban Nha
Nhiếp ảnh gia Roksolyana Hilevych chia sẻ bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc “chỉ gặp một lần trong đời”. Sao băng tình cờ vụt qua đúng lúc Hilevych đang chụp ảnh dải Ngân Hà ở đảo Tenerife. Ngôi sao thắp sáng mọi thứ xung quanh, khiến bầu trời đêm sáng như ban ngày trong vài giây.
Tenerife là một hòn đảo của Tây Ban Nha và là một phần của quần đảo Canary, nằm ở Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Tây Bắc của Châu Phi. Thiên nhiên đa dạng, khí hậu ôn hòa, du khách đến đảo Tenerife thường leo núi, lặn hay tận hưởng kỳ nghỉ tại những khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển.
Yamagashi, Nhật Bản
Tác giả Mitsuhiro Okabe ghi lại khung cảnh buổi đêm ở Yamagashi trong mùa hoa anh đào. Đây là góc chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ quen thuộc với nhiều du khách và nhiếp ảnh gia. Điểm khác biệt trong ảnh của Okabe là cảnh tượng dải Ngân Hà sáng rực trời đêm, thay vì những bức ảnh núi tuyết bạc đầu giữa trời xanh thường thấy.
Namibia, châu Phi
Hành trình đến Nam Phi săn cảnh đẹp của nhiếp ảnh gia Lorenzo Ranieri Tenti được anh miêu tả là “cuộc phiêu lưu phi thường”. Lorenzo có chuyến khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Gross Spitzkoppe nằm ở phía nam Namibia. Sau khi trekking ngọn núi Spitzkoppe tại đây, nam nhiếp ảnh gia tìm được một khu vực tập trung những phiến đá granite nhẵn, tầm nhìn rộng để chiêm ngưỡng dải Ngân Hà trên bầu trời đêm.
Namibia là một quốc gia ở miền Nam châu Phi, bờ biển phía tây giáp Đại Tây Dương. Nơi này mang vẻ đẹp hoang dã từ sa mạc bất tận, đụn cát rộng lớn, đến những khu vườn quốc gia với thảm động thực vật đa dạng và cả bầu trời đêm đầy sao không có ánh đèn điện.
Dãy núi Julian Alps, Slovenia
Bức ảnh ghi lại cảnh vòng cung ánh sáng kép tô điểm cho khu vực yên ngựa núi Mangart ở dãy Julian Alps, thuộc phía Tây Bắc Slovenia. Từ năm 2019, việc thám hiểm dãy núi dễ dàng hơn khi con đường mòn Juliana hoàn thiện. Con đường dài 270 km, ôm quanh chân núi Julian Alps qua 16 chặng, bắt đầu và kết thúc ở khu trượt tuyết Kranjska Gora. Du khách đến dãy Julian Alps có thể chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ ở hồ Bled, hẻm núi Tolmin, hay chinh phục đỉnh Triglav.
Nhiếp ảnh gia Uros Fink chia sẻ bất chấp dự báo thời tiết xấu, anh vẫn quyết định leo ngọn núi Mangart và “săn” dải Ngân Hà. Anh đã thức suốt 30 tiếng, mang theo 30 kg thiết bị phục vụ cho quá trình chụp hình.
Thị trấn cổ Avila, Tây Ban Nha
Tác giả Iván Ferrero cho biết để đến được điểm chụp hình này phải qua con đường đất gồ ghề, ôtô không vào được nên phải đi bộ khoảng 30 phút. Nơi chụp hình có thời tiết xấu, gió giật mạnh và lạnh buốt, nhưng đổi lại là một bầu trời trong lành không ô nhiễm ánh sáng.
Avila từng được tộc người Castilla gọi là “đô thị của thần thánh và đá”. Thị trấn cổ được thành lập bởi các bộ lạc người Celte, sau đó trở thành tiền đồn của La Mã và cuối cùng bị người Visigoth đánh chiếm. Ngày nay, Avila còn tồn tại nhiều công trình tôn giáo, những nhà thờ mang kiến trúc Gothic (cuối thế kỷ 12-13) thu hút du khách tham quan.
Nam Alps, New Zealand
Bức hình chụp tại một mặt hồ nằm ở chân dãy núi Nam Alps, nơi không bị các loại đèn nhân tạo tác động, tỏa ra ánh sáng đầy màu sắc do hiện tượng khí huy (khiến bầu trời đêm không tối hoàn toàn). Tác giả Larryn Rae tình cờ ghi được khoảnh khắc này trên đường đi đến một địa điểm chụp khác. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đã tặng nam nhiếp gia khung cảnh huyền ảo của dòng sông Ngân vắt ngang bầu trời màu hồng.