Là bác sỹ chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, ngoài thời gian dành cho người bệnh, anh Lê Công Đức dành chút ít thời gian trong ngày để được lắng nghe tiếng chuông từ những món đồ cũ kỹ "đời tám hoánh” rất ít người có được.
Bắt đầu đam mê sưu tập đồng hồ cổ từ cách đây 7 năm, duyên kết nối với anh với những món đồ này cũng thật tình cờ. Từ mê mẩn, ngắm nghĩa những chiếc đồng hồ xa xưa, anh đã tìm mua và sở hữu những chiếc hộp thời gian độc đáo đến từ các nước Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Nga…
Để có được bộ sưu tập đồng hồ cổ độc đáo này, anh phải nhờ những du học sinh, những người đam mê tìm kiếm ở nước ngoài rồi vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy. Nhiều chiếc anh phải trực tiếp mang về từ nước ngoài hoặc ra tận Hà Nội, vào Sài Gòn… để "săn đón".
Trong bộ sưu tập đồng hồ "độc - dị" của mình, anh Đức giới thiệu đa số đồng hồ có nguồn gốc từ các nước phương Tây như: Đức, Pháp, Nga, Ý, Thụy Sỹ, Hà Lan… Trong số đó, có những chiếc đồng hồ có tuổi đời trên dưới trăm năm như bộ đồng hồ cổ của Đức, đồng hồ hiệu ODO của Pháp….
Hiện tại, trong bộ sưu tập của anh có gần 100 món (bao gồm đồng hồ nhỏ đến lớn và các vật trang trí đi kèm), trong đó có đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn…; có những món thuộc hàng "khủng" vì độ lớn và giá trị của nó.
Những đồng hồ cổ nhất trong bộ sưu tập chính là những bộ đồng hồ để bàn của Pháp đầu thể kỉ 18, tức là khoảng gần 200 năm. Những chiếc đồng hồ này được sản xuất với số lượng có hạn, trên thế giới cũng vô cùng hiếm. Điểm độc đáo của những chiếc đồng hồ này là design (thiết kế) phong cách thời kỳ Phục Hưng, nét khắc tinh xảo trên từng hoa văn trang trí hay hình ảnh các vị nữ thần, hoàng đế, các hiền triết gia uy nghi, cổ kính.
Bộ đồng hồ gồm 3 món: đồng hồ và 2 chân nến. Chiếc đồng hồ có hình dạng độc đáo, các chi tiết tinh tế, sắc sảo, mang đậm dấu ấn phương Tây. Trên thị trường, bộ đồng hồ này có giá trên 100 triệu đồng.
Bộ đồng hồ treo tường với đủ các dòng như: ODO, MF, VEDETTE… Những chiếc đồng hồ này có xuất xứ từ Pháp, Đức chủ yếu sản xuất cho thị trường Việt Nam những năm Pháp thuộc.
Trong đó có nhiều chiếc thuộc dòng ODO quý hiếm, chủ yếu chỉ có ở các nhà thờ, biệt thự, bảo tàng và các quan chức dưới thời Pháp thuộc.
Niềm đam mê của anh Đức là được lau chùi từng chiếc ốc vít, lên dây cót cho đồng hồ hằng ngày. Anh chia sẻ chỉ cần nghe tiếng chuông đồng hồ kêu là anh có thể biết ngay đó thuộc chiếc đồng hồ loại nào, thời gian ra đời, xuất xứ...
Chia sẻ về cách bảo quản, chăm sóc các loại đồng hồ cổ, anh Đức cho biết phải tốn khá nhiều thời gian. Các loại đồng hồ của Nga phải lên dây cót 1 ngày 1 lần, các loại đến từ Thụy Sỹ hay Pháp thì 1 tuần 1 lần. Ngoài ra phải thường xuyên lau chùi, tra dầu… để đảm bảo cái nào cũng chạy được.
Chiêm ngưỡng thêm hình ảnh về bộ sưu tập đồng hồ cổ của anh Đức: