Vừa qua biên đội tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã cập cảng quốc tế Cam Ranh vào sáng thứ Sáu 14/6, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 4 ngày, từ 14/6 tới 17/6/2019, được biết đây là một phần của hoạt động thuộc chương huấn luyện trên biển IPD19.
Hai chiến hạm Nhật Bản gồm tàu khu trục JS Izumo và JS Murasame do Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa dẫn đầu, mang theo 600 sĩ quan, thủy thủ, đội hình rõ ràng rất hùng hậu.
Tàu tên lửa BPS-500 Việt Nam và khu trục hạm Izumo của Nhật Bản |
JS Izumo được coi là khu trục hạm lớn nhất thế giới, có chiều dài 24m, chiều rộng 38 m, lượng giãn nước là 24.000 tấn. Thực chất chiếc Izumo được coi là một tàu sân bay hạng nhẹ và nó đang được cải tạo để mang tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II.
Trong khi đó tàu khu trục JS Murasame có chiều dài 151 m, chiều rộng 17,4 m, lượng giãn nước 4.550 tấn, nó được trang bị các loại tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và ngư lôi chống ngầm có sức mạnh rất lớn.
Tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 của Việt Nam tham gia huấn luyện tác chiến cùng biên đội tàu Nhật Bản |
Trong hoạt động huấn luyện tác chiến chung ngoài khơi cảng Cam Ranh với phía bạn, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cử tàu hộ vệ tên lửa 381 thuộc lớp BPS-500 tham gia cùng biên đội tàu khu trục Nhật Bản.
So với biên đội khu trục hạm có kích cỡ khổng lồ của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản thì chiếc tàu tên lửa của Việt Nam thuộc dạng "bé hạt tiêu" với chiều dài 62 m, chiều rộng 11 m, lượng giãn nước toàn tải 520 tấn.
Mặc dù vậy hỏa lực của chiến hạm Việt Nam không tồi với 8 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E, 1 pháo phòng không AK-630M và 1 pháo hạm AK-176M. Tàu còn được thiết kế với nhiều góc cạnh cho khả năng tàng hình cao và sử dụng động cơ đẩy phản lực nước tiên tiến.
Tàu hộ vệ tên lửa 381 được chụp từ khu trục hạm JS Izumo của Nhật Bản |
Thông qua các bài tập huấn luyện chung cùng chiến hạm cỡ lớn và hiện đại của Nhật Bản sẽ giúp cho Hải quân Việt Nam thu được nhiều kinh nghiệm quý báu trong triển khai tác chiến, cũng như xây dựng tình hữu nghị giữa các đối tác chiến lược của nhau.
Trong tương lai không xa, hy vọng rằng chúng ta có thể tiến hành các hoạt động tương tự với những lớp chiến hạm mạnh và lớn hơn chiếc BPS-500, ví dụ như cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hay thậm chí là một lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ 3.000 tấn.