Chuyện người con gái Nhật Bản được cứu ở cửa Hội Thống hơn 400 năm trước

(Baohatinh.vn) - Cách đây hơn 4 thế kỷ, chiếc thuyền lớn của Nhật Bản vào buôn bán ở dòng sông Lam gặp nạn ở cửa biển Hội Thống (thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân ngày nay). Trong số 105 người được cứu vớt, có người con gái Nhật Bản được Văn Lý hầu Trần Tịnh (quê xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) yêu thương, nhận làm con nuôi.

Cảng cá Xuân Hội hôm nay. Ảnh: Đậu Hà

Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII là thời kỳ hoạt động ngoại thương ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á phát triển, trong đó có cả Việt Nam và Nhật Bản. Thời kỳ này, Đàng Trong là chúa Nguyễn, Đàng Ngoài chúa Trịnh nắm thực quyền, mở cửa làm ăn buôn bán với người nước ngoài. Thời kỳ Châu Ấn Thuyền (1603-1635), chính quyền Mạc phủ Tokugawa cho phép thương nhân Nhật Bản đi thuyền buồm có vũ trang buôn bán với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Điều đó đã thúc đẩy hai nước Việt Nam, Nhật Bản mở rộng giao thương, góp phần hình thành nên các thương cảng cổ, phố cổ như Phố Hiến, Càn Hải, Hội Thống, phố cổ Phù Thạch, Phục Lễ, Hội An… Ở Phù Thạch, Phục Lễ - Chợ Tràng ở Xứ Nghệ, nhiều người Nhật Bản đã đến làm ăn lâu dài, lập thương điếm. Thương nhân Nhật Bản có công hình thành nên các phố cổ ở hai bên bờ sông Lam...

Một sự kiện xẩy ra cách đây hơn 4 thế kỷ, vào ngày 11/6 năm Hoằng Định thứ 10 (1610). Một chiếc thuyền lớn của Nhật Bản sau khi được vào buôn bán ở dòng sông Lam, rời Phục Lễ, chuẩn bị trở về đất nước Nhật Bản thì bỗng nhiên sóng gió nổi lên, nhấn toàn bộ người và hàng xuống cửa biển Hội Thống. Trong cơn hoạn nạn, nhận được thông tin kịp thời, các quan chức địa phương đã cử quân lính bằng mọi biện pháp và phương tiện có thể đến tiếp ứng, cứu vớt được 105 người trong tổng số 118 người. 13 người xấu số, trong đó có chủ tàu đã bị chết đuối. Chiếc thuyền hàng đã chìm hẳn.

Cửa biển Hội Thống - nơi chiếc thuyền Nhật Bản bị đắm năm 1610. Ảnh: Thiện Chân

Những người may mắn sống sót được Đại Đô đường hữu phủ Thư quận công, Văn Lý hầu Trần Tịnh, Phò mã Quảng Phú hầu Thượng thư cưu mang, đưa về tư gia, xuất gia sản nuôi ăn ở trong một năm. Sau đó, họ đã trình tấu lên Bình An vương Trịnh Tùng và Trịnh Tùng sai người đưa họ về kinh đô yết kiến. Cảm thương trước những thương nhân người viễn quốc gặp nạn, chúa Trịnh đã cấp tiền bạc cho họ và sai người đóng thuyền lớn đưa về nước an toàn.

Trước khi họ về, Trịnh Tùng đã trực tiếp viết thư và sai quan lại viết thư gửi về Nhật Bản trình bày sự việc, tỏ rõ sự hòa hiếu của An Nam với Nhật Bản. Trong một năm sinh sống, những người xa lạ đã trở thành thân quen, có những tình cảm gắn bó với nhau. Khi chia tay trở về nước Nhật Bản xa xôi, họ vô cùng cảm động, biết ơn.

Trong số những người gặp nạn được cưu mang, Tổng thái giám, quan Đô đường Văn Lý hầu Trần Tịnh yêu thương nhất là một người con gái Nhật Bản. Cô cũng rất quý trọng ông và đã nhận lời làm con nuôi khi được đề nghị. Cô được mang họ Trần và có họ tên đầy đủ là Trần Thị Dưỡng Nương, hiệu là Từ Kiệm.

Các nhà khảo cổ Nhật Bản và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khảo sát, thăm dò khảo cổ học tại vườn cũ của Văn Lý hầu Trần Tịnh ở thôn Lũy, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc.

Đến tuổi lập gia đình, Văn Lý hầu Trần Tịnh muốn gả con cho một người xứng đáng làm chồng. Sau khi tìm hiểu, ông giới thiệu con mình cho Hình bộ Lang trung Nguyễn Như Thạch (1579-1662), một vị quan đời thứ sáu của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, huyện La Sơn.

Việc gả con cho một người quan lại của một dòng họ danh giá có lẽ trong thâm tâm, Văn Lý hầu cũng muốn được môn đăng hộ đối, cũng có thể là muốn kết giao bền lâu giữa hai dòng họ Trần - Nguyễn hay có thể vì giữa Trần Tịnh và Nguyễn Như Thạch là bạn bè của nhau. Dù thế nào đi nữa, Trần Tịnh cũng có một tình cảm đặc biệt đối với làng Trường Lưu cách quê ông không xa.

Sau khi xuất giá, bà Trần Thị Dưỡng Nương trở về làng Trường Lưu làm người vợ lẽ bên cạnh chồng Nguyễn Như Thạch. Bà tận tụy, đảm đang chăm sóc chồng, “cái ơn chạy vạy có thể xem bà là nhất, từ đó nhìn ra gia đạo ngày càng hưng thịnh”. Bà là chỗ dựa vững chắc hầu hạ để Hình bộ Lang trung Nguyễn Như Thạch toàn tâm lo việc nước. Bà được người trong làng và trong dòng họ quen gọi là “mệ bà”.

Hiện nay, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép cụ thể Nguyễn Như Thạch có con với bà Trần Thị Dưỡng Nương hay không, nhưng từ đời Nguyễn Như Thạch trở đi, dòng họ Nguyễn Huy đã sinh ra nhiều đại quan, các nhà khoa bảng, các nhà văn hóa nổi tiếng một thời như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… và nơi sản sinh ra Trường học Phúc Giang đào tạo 30 tiến sĩ, hàng ngàn học trò cho đất nước. Âu cũng có một phần công lao đóng góp của người phụ nữ Nhật Bản.

Hiện chưa biết “mệ bà” mất năm nào. Nhưng sau khi mất, bà được an táng tại núi Mác, sau đó được cải táng về núi Phượng, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Gốm men Việt Nam thế kỷ 17-18 phát hiện tại khu vực nhà thờ Trần Tịnh

Nhằm tìm hiểu thân phận của người con gái Nhật Bản - con nuôi của Văn Lý hầu Trần Tịnh và mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời kỳ Lê Trung Hưng, nhiều đoàn nghiên cứu đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Viện Nghiên cứu Văn hóa Con người thuộc Bộ Văn hóa, Giáo dục Nhật Bản, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Osaka, Hội Chấn hưng Nhật Bản, trong đó có vợ chồng Giáo sư Kikuchi, Phó Giáo sư Hasuda Takashi… đã hợp tác với Bảo tàng Hà Tĩnh đi khảo sát thực tế tại các di tích, tìm hiểu các thư tịch cổ, văn bia, khai quật khảo cổ và đã lần theo dấu vết, kết nối các tư liệu hiện tồn.

Qua đó đã có kết quả bước đầu, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản, góp phần thắt chặt sự hợp tác và tình hữu nghị.

Văn Lý hầu Trần Tịnh quê làng Mật Thiết, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một hoạn quan, có vợ là bà Ngô Thị Ngọc Lợi quê xã Thường Nga, nơi nổi tiếng có nhiều phụ nữ đẹp.

Ông làm đến chức Tổng thái giám phụ trách ngoại thương với người nước ngoài trong đó có Nhật Bản. Ông là người có công lớn trong hoạt động ngoại thương cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Đây cũng là thời kỳ hoạt động ngoại thương giữa các nước phương Tây và phương Đông tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á phát triển mạnh.

Văn Lý hầu Trần Tịnh còn nổi tiếng có lòng thương người lớn lao, lại có đức từ tâm, hướng thiện, tin theo đạo Phật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói