Phiên họp Quốc hội Cuba ở thủ đô La Habana ngày 2/6/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chức danh Chủ tịch nước - người đứng đầu bộ máy Nhà nước Cuba, và chức danh Thủ tướng Chính phủ cũng được khôi phục.
Theo Hiến pháp 1976 vừa hết hiệu lực ngày 10/4 của Cuba, người đứng đầu Nhà nước Cuba là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Còn theo Luật Bầu cử mới, soạn thảo theo Hiến pháp mới, chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sẽ do Chủ tịch Quốc hội kiêm giữ, trong khi Hội đồng Nhà nước - vốn là cơ quan thường trực của Quốc hội - từ nay sẽ trở lại với chức năng lập pháp thuần túy hơn. Còn chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sẽ được chuyển thành Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên cơ quan nội các này sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc hành pháp - vốn trước đây chia sẻ với Hội đồng Nhà nước.
Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro chính là người gần nhất giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, từ khi Cách mạng thành công năm 1959 tới năm 1976, sau đó chức vụ này đã được thay thế theo bản Hiến pháp đầu tiên theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và kể từ đó nhà lãnh đạo lịch sử này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.
Theo Luật Bầu cử mới, nhiệm kỳ của các chức danh này là 5 năm và mỗi cá nhân được đảm nhiệm 1 chức danh lãnh đạo tối đa 2 nhiệm kỳ. Luật Bầu cử cũng cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp 2019 về việc định ra các chức danh Thống đốc và Thủ hiến tỉnh, và cả 2 chức danh này đều được bầu ra theo phương thức gián tiếp, qua hội nghị đại biểu các Hội đồng nhân dân các huyện trong tỉnh.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo cũng từng công bố rằng, sau khi Luật Bầu cử mới có hiệu lực, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới - với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng đương nhiệm Miguel Díaz-Canel là ứng viên rõ ràng nhất - và bầu Thủ tướng vào trước cuối năm nay.