Сác chuyên gia Mỹ nhiều lần thừa nhận họ tụt hậu nghiêm trọng so với Nga và Trung Quốc về công nghệ siêu thanh. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình tên lửa đất đối đất siêu thanh Operational Fires (OpFires), do Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) và công ty Lockheed Martin “dẫn dắt”, đang đi vào giai đoạn thực hiện chính thức.
Chi phí của dự án đã được công bố là 59 triệu dollars, các chuyến bay thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022.
Mỹ cố đuổi kịp Nga về vũ khí siêu thanh trên mặt đất và trên biển
Các chuyên gia coi hệ thống tên lửa chiến thuật độ chính xác cao Iskander (OTRK) là loại vũ khí Nga tương tự gần nhất với dự án Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ cho rằng phát triển của họ sẽ tốt và hiệu quả hơn.
Theo các nguồn tin của Mỹ, vũ khí mới có tính cơ động cao, bởi các bệ phóng sẽ được đặt trên khung sườn xe bánh lốp. Tầm bay của tên lửa là 1600 km (so với 500 km đối với Iskander).
Đầu đạn siêu thanh C-HGB, có khả năng bay với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5, hoặc 1657 m/s, hoặc 5966 km/h), cũng như khả năng cơ động theo hành trình và độ cao, khiến không thể đánh chặn. Nói một cách chính xác, tốc độ siêu thanh bắt đầu từ 1710 m/s, hay 6150 km/h, vì vậy tên lửa Mỹ có thể được coi là “cận siêu thanh”.
DARPA lưu ý, mục tiêu của chương trình OpFires là phát triển và trang bị một hệ thống cải tiến đặt trên mặt đất, cho phép vũ khí siêu thanh vượt qua hệ thống phòng không hiện đại của đối phương và tấn công nhanh chóng, chính xác vào các mục tiêu quan trọng.
DAPRA đang thúc đẩy chương trình tên lửa đất đối đất siêu thanh Operational Fires (OpFires) |
Hiện nay, các chuyên gia Lockheed Martin hiện đang nghiên cứu hệ thống dẫn đường đầu đạn mới nhất nhắm vào các vật thể nhỏ và chuyển động.
Mặc dù người ta cho rằng OpFires sẽ trang bị trong quân đội như vũ khí phi hạt nhân, nhưng có thể theo thời gian chúng cũng sẽ mang theo đầu đạn hạt nhân. Dự kiến, tổ hợp OpFires sẽ đi vào hoạt động sau năm 2023.
Ngày nay, loại tên lửa chiến thuật độ chính xác cao trên mặt đất của Mỹ có tầm bắn xa nhất là MGM-140 ATACMS với khoảng cách chỉ 270 km. Điều này rõ ràng là không đủ để đối đầu với Nga ở châu Âu. Ngoài ra, quân đội Nga đã thực sự nhận được các hệ thống tấn công siêu thanh.
Một dự án đầy tham vọng khác về vũ khí tên lửa siêu thanh của Tập đoàn Lockheed Martin là Vũ khí Siêu thanh Tầm xa (LHRW), trị giá 347 triệu USD. Đây là tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn đa năng với đầu đạn tương tự như hệ thống OpFires.
Nó được cho là sẽ phóng ngay từ các container vận chuyển, lắp đặt trực tiếp trên khung gầm xe hoặc trên rơ moóc kéo bằng đầu kéo hạng nặng.
Tổ hợp này sẽ được trang bị tiêu chuẩn theo Hệ thống Điều khiển Hỏa lực Tên lửa, Pháo binh của Quân đội Mỹ. Tốc độ LHRW cao hơn Mach 5. Về tầm hoạt động, các chuyên gia cho rằng vào khoảng 3000 - 4000 km.
Tên lửa hành trình không đối đất siêu thanh AGM-183A ARRW |
Có thể người Mỹ, không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF, tạo ra tên lửa này với mục đích để triển khai ở châu Âu. Từ đó, sẽ có thể tiếp cận hầu hết các mục tiêu ở khu vực châu Âu của Nga. Và để kiềm chế Trung Quốc, người Mỹ muốn phát triển một phiên bản phóng từ trên biển.
Các chuyến bay thử nghiệm của LHRW được lên kế hoạch trong năm nay. Khẩu đội đầu tiên tên lửa loại này cũng sẽ được đặt trong tình trạng thử nghiệm chiến đấu không sớm hơn năm 2023.
Vũ khí siêu thanh trên không
Để đối phó với việc Nga trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal, Mỹ đã khởi động một số chương trình chế tạo vũ khí tương tự.
Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 63 triệu USD với Raytheon về hệ thống tên lửa đất đối không siêu thanh chiến thuật TBG được trang bị đầu đạn bay lượn có tốc độ lên tới Mach 5 và bắn trúng mục tiêu cách điểm phóng tới 920 km.
Theo thông báo của DARPA, trong khuôn khổ chương trình TBG, nếu tên lửa đủ nhỏ gọn, sẽ cho phép bố trí trên các máy bay tấn công tiền tuyến. Các chuyến bay thử nghiệm được lên kế hoạch cho năm nay nhưng nó sẽ không được đưa vào trang bị trước năm 2025.
Chương trình HAWC - tên lửa siêu thanh phóng từ trên không |
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chương trình này là HAWC - tên lửa siêu thanh phóng từ trên không có tốc độ lên tới Mach 10 (gần 12.000 km/h).
Sản phẩm này được giữ bí mật nghiêm ngặt, người ta chỉ biết máy bay ném bom chiến lược và có thể là máy bay chiến đấu F-35 sẽ trở thành phương tiện mang chính loại này.
Cho đến nay, chương trình đã có khởi đầu không mấy thành công, vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của HAWC từ máy bay vào cuối năm 2020 đã kết thúc thất bại.
Một dự án vũ khí đầy hứa hẹn khác của Không quân Mỹ là tên lửa hành trình không đối đất siêu thanh AGM-183A ARRW, với tốc độ Mach 17 (20.285 km/h) và tầm bắn 800 km. Thời gian ra mắt và giới thiệu tới các phương tiện truyền thông dự kiến vào năm 2022.
Tất cả các dự án này đều chỉ ra một điều: Washington đang rất cố gắng để bắt kịp Moskva và Bắc Kinh trong lĩnh vực “hypersonic” (siêu thanh) với “chi phí không giới hạn”.
Tuy nhiên, vào thời điểm những tên lửa đầu tiên của Mỹ đi vào sản xuất hàng loạt, Nga sẽ có Avangard, Kinzhal, Zircons và một số vũ khí khác; ví dụ như hệ thống tên lửa phòng không S-500 “Prometheus”, có khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.
Và chắc chắn các nhà thiết kế vũ khí Nga sẽ tiếp tục cải tiến khả năng của tất cả những vũ khí này, khiến Nga có khả năng công-thủ toàn diện trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, biến công sức của Mỹ thành “công cốc”.