Cựu binh kể chuyện đánh kìm chân địch trước cửa ngõ Sài Gòn

(Baohatinh.vn) - Đã gần 50 năm trôi qua, song ông Trần Trọng Xưng ở phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng rực lửa cùng đồng đội đánh kìm chân địch trước cửa ngõ Sài Gòn, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta giành chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.

z5393929390474_75db4dcc22fce69e67486739c6b08656.jpg
Ông Trần Trọng Xưng kể lại những năm tháng rực lửa chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Tháng 1/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Trọng Xưng (SN 1951, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.

Đến cuối năm 1971, Trung đoàn 101 bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam. Quãng đường hành quân được chia thành các chặng: Bắc Ninh – Vinh (Nghệ An) – Quảng Bình – Trạm 5– Trạm 94 (dọc dãy Trường Sơn) – Đồng Tháp. Đặc biệt, quãng đường từ Trạm 94 – Đồng Tháp, Trung đoàn 101 phải đi bộ gần 4 tháng ròng rã.

x2.jpg
Những ký ức vẫn còn đọng lại qua những tấm ảnh của ông Xưng cùng đồng đội.

Ngay khi đến Đồng Tháp, tháng 4/1972, Trung đoàn 101 sáp nhập cùng Trung đoàn 320 (gọi tắt là Trung đoàn), tiến hành trận đánh mở màn vào ngày 16/4/1972, tiêu diệt toàn bộ quân địch đang cố thủ tại đồn Cua Đinh (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Sau đó, Trung đoàn hành quân về huyện Mỹ An (Đồng Tháp), thời gian này ông Xưng cùng đồng đội đánh nhiều trận phục kích để tiêu hao lực lượng của địch. Điển hình như: trận phục kích tiêu diệt một tiểu đoàn quân địch đổ bộ trên kênh 63 (kênh Nguyễn Văn Trỗi) ngày 10/6/1972; loại bỏ hàng trăm tên trong các cuộc càn quét của địch từ tháng 6-8/1972.

Tháng 1/1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung đoàn 320 hành quân về đứng chân tại quốc lộ 30 (địa phận huyện Kiến Văn, Đồng Tháp) nhằm giữ vững vùng đất quân ta đã giải phóng. Giữa năm 1973, Trung đoàn tiếp tục hành quân về tỉnh Tiền Giang và đóng quân tại huyện Cai Lậy, làm nhiệm vụ đánh phục kích địch trên tuyến kênh 10 và kênh Chà Là.

Đến tháng 3/1975, Trung đoàn 320 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 8) cùng các đơn vị khác tấn công chi khu Ngã Sáu (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), bắt đầu cho cuộc tiến công mùa khô 1974-1975 đợt 2 của quân ta, mở màn Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử của Sư đoàn Bộ binh 8.

Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 600 tên địch, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí trang bị của địch, san bằng toàn bộ chi khu, quá trình tiến công ta còn phá hủy một kho đạn và lương thực.

“Chiến thắng Ngã Sáu là trận đánh mở màn của Sư đoàn Bộ binh 8 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi và các đồng đội lúc đó rất tự hào vì cảm giác được như cầm súng tiến về giải phóng Sài Gòn…. ”, ông Xưng xúc động kể lại.

Sau chiến thắng ở Ngã Sáu, các đơn vị của Sư đoàn Bộ binh 8 được lệnh thọc sâu, tiến về giải phóng thành phố Mỹ Tho; đồng thời tạo thành mũi vu hồi đánh vào phía Tây Nam Sài Gòn. Lúc này, Trung đoàn 320 nhận được mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên: đánh cắt đứt đường 4 thành nhiều đoạn, kìm chân sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy, không cho chúng tiến về Sài Gòn ứng cứu và chặn đứng tàn quân ngụy từ Sài Gòn chạy về Đồng bằng sông Cửu Long cố thủ.

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, ông Xưng đã cùng đồng đội triển khai lối đánh chặn, kết hợp bao vây theo thế gọng kìm, cắt đứt đường 4 thành nhiều đoạn.

“Trưa 30/4/1975, sau khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên loa phát thanh, phía địch vội vàng buông súng, vứt bỏ quần áo, bỏ chạy tán loạn. Một số tên ngoan cố đánh trả đã bị lực lượng ta dùng hoả lực tiêu diệt sạch… Loa phát thanh liên tục vang lên: Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng! Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng! Cảm xúc của anh em chúng tôi như vỡ oà, thiêng liêng như được gặp Bác Hồ trong ngày đại thắng…. ”, cựu chiến binh Trung đoàn 320 Trần Trọng Xưng bồi hồi nhớ lại.

x4.jpg
Ông Xưng cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm sau ngày giải phóng miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Xưng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, Camphuchia, lần lượt giữ chức: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3; Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 320; Tham mưu phó, Đoàn 7701 (thuộc Mặt trận 779)…

Đến tháng 10/1988, ông Xưng chuyển về công tác tại Quân khu 4, rồi chuyển về Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, giữ chức Huyện đội trưởng Huyện đội Kỳ Anh, đến năm 2004 thì nghỉ hưu.

x3.jpg
Ông Trần Trọng Xưng được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao nhiều huân, huy chương.

Ở tuổi 73, hiện 3 con (1 trai, 2 gái) của ông Xưng đều có việc làm ổn định, ông cũng được vui vầy với 7 cháu nội, ngoại. Những đóng góp trong cuộc đời binh nghiệp của ông đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận với: Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng ….

Về với đời thường, ông Trần Trọng Xưng luôn được láng giềng, bạn bè quý mến, nể phục không chỉ bởi là một người đã từng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Camphuchia, ông còn là người luôn gần gũi, thân thiết, nghĩa tình sau trước...

Riêng với bản thân ông, những năm tháng đánh giặc ở chiến trường vùng Tây Nam Bộ mãi mãi là những ký ức chẳng thể nào quên. “Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đã nhiều lần vào sinh, ra tử, nhưng có lẽ tự hào nhất là những năm tháng chiến đấu ở vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là những ngày đánh kìm chân địch ngay ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn… Những người lính chúng tôi lúc đó sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để ngăn bước không cho kẻ địch có cơ hội ứng cứu Sài Gòn, góp phần nhỏ bé cùng toàn quân, toàn dân đi đến ngày đại thắng lịch sử 30/4/1975…” - ông Trần Trọng Xưng xúc động chia sẻ.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.