Những hành vi sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi trẻ gặp khó khăn, thất bại
Để nuôi dưỡng tính cách độc lập, linh hoạt và nghị lực sống cho con trẻ, bố mẹ không thể lúc nào cũng thay con gánh vác hay che mưa che gió mọi lúc. Việc bạn cần làm là giáo dục và dẫn dắt trẻ biết cách tiếp nhận thử thách, nhận thức và hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, có thể do quá yêu thương con cái hoặc quan niệm dạy con chưa thật sự đúng đắn mà nhiều bố mẹ dễ mắc những sai lầm phổ biến khi đứng trước những thất bại hay trở ngại mà trẻ gặp phải.
Cố gắng che đậy, khỏa lấp những thử thách của con
Khi trẻ làm việc gì đó không tốt, không thuận lợi, rất nhiều bậc phụ huynh với suy nghĩ sợ con sẽ buồn tủi và mất ý chí nên vô tình bạn lại tìm cách “bóp méo” sự thật mà trẻ đang đối diện. Chẳng hạn như bạn thường sẽ an ủi trẻ rằng đó chỉ là chuyện nhỏ, không hề quan trọng.
Thực tế, bố mẹ làm vậy đồng nghĩa rằng bạn không thật sự quan tâm đến thế giới nội tâm của trẻ, đồng thời còn có thể khiến trẻ nhận thức không đầy đủ, thậm chí là sai lệch về vấn đề mình đang gặp phải.
Bắt trẻ phải kìm nén tâm trạng
Dù người lớn hay trẻ con thì khi gặp thất bại hay chuyện gì đó không được như ý muốn đều sẽ có cảm giác buồn tủi, đau khổ. Nếu trẻ vì những trở ngại trước mắt mà trở nên ủ rũ, muốn khóc thì bạn nên dành cho trẻ một ít thời gian và không gian riêng để trẻ thỏa sức giải tỏa hết cảm xúc tiêu cực.
Nếu bạn nói với trẻ rằng chuyện đó không có gì phải khóc, thậm chí la mắng bắt trẻ không được phép tỏ ra yếu đuối, một mặt sẽ khiến trẻ không được bộc lộ cảm xúc thật, mặt khác còn tạo ấn tượng trong trẻ rằng khóc chính là một chuyện đáng xấu hổ. Tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe tâm lý của trẻ về sau.
Chỉ biết khen ngợi
Bố mẹ thương con là điều hiển nhiên nhưng không ít người vì vậy mà chỉ biết tìm mọi lý do để khen ngợi con mình. Ngay cả khi trẻ phạm lỗi hay làm không tốt việc gì đó, bố mẹ vẫn bảo rằng trẻ đã làm rất tốt.
Hành vi này của người lớn có thể khiến trẻ không nhận thức được sai lầm và học cách hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, trẻ khi trưởng thành còn sinh ra tâm lý trốn tránh, thiếu trách nhiệm.
Bố mẹ nên làm gì để giúp trẻ có bản lĩnh “sống chung” với thử thách?
Hãy buông tay tạo cơ hội để trẻ được đối mặt với khó khăn
Trưởng thành là cả một quá trình dài mà trong đó không thể thiếu nhưng đoạn đường gập ghềnh. Nếu vì thương con mà bố mẹ luôn làm thay mọi chuyện để trẻ lúc nào cũng thuận lợi trong cuộc sống thì đó không phải là cách dạy con tốt nhất.
Ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày, bạn cũng nên thường xuyên giao phó cho trẻ làm việc vừa sức, thậm chí có độ khó nhất định so với năng lực của trẻ. Quá trình thực hành, nhận lấy kết quả và rút ra bài học từ những sai lầm, thất bại mới giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống.
Kịp thời giảng dạy và dẫn dắt trẻ đối mặt với thử thách một cách đúng đắn
Khi trẻ thật sự gặp trở ngại nào đó, bố mẹ không nên đánh mắng nhưng cũng không thể làm ngơ. Việc bạn cần làm là nhẹ nhàng phân tích vấn đề cho trẻ hiểu từ nguyên nhân lẫn kết quả. Sau đó bạn có thể gợi ý và hỗ trợ nếu cần để trẻ giải quyết vấn đề, vượt qua thử thách.
Ngoài ra, khi trẻ đang loay hoay với khó khăn, bố mẹ cũng cần cho trẻ sự khích lệ hợp lý để tăng thêm sự nhẫn nại chịu đựng và xoa dịu cảm giác sợ hãi, bất an trong trẻ.
Làm tấm gương về lòng tin và dũng khí cho trẻ
Trẻ nhỏ thường nhìn và học theo những người lớn xung quanh, nhất là bố mẹ và người thân trong gia đình. Vì vậy, nếu khi bạn làm gương tốt cho trẻ trong vấn đề đối diện và xử lý khó khăn trong cuộc sống, trẻ sẽ dễ dàng nuôi dưỡng sự tự tin và ý chí kiên cường của mình.