Đê sắp biến mất, người dân hơn nửa thôn bỏ đi xa xứ

(Baohatinh.vn) - Nằm giữa mênh mông sóng nước, cuộc sống của gần 100 hộ dân với hơn 360 nhân khẩu ở thôn Nam Hà (xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) long đong theo từng cơn thủy triều. Nỗi bất an càng lớn khi tuyến đê ngăn mặn dài hơn 700m đang dần biến mất, kéo theo tình trạng xói lở vườn nhà. Nhiều người đã bỏ làng, tìm đến xứ khác.

Thôn Nam Hà bị cô lập giữa mênh mông biển nước

Ông Trương Văn Luân, Trưởng thôn Nam Hà cho biết: “Trước đây, thôn chúng tôi sầm uất lắm, nhưng tình trạng xâm thực của biển đã khiến diện tích đất đai ngày càng thu hẹp. Lo lắng, bất an, hơn 100 hộ đã di dời đi nơi khác để an cư, hiện thôn chỉ còn lại 96 hộ với hơn 360 nhân khẩu”.

Theo người dân trong thôn, trước đây, thân đê nằm ở ngoài cống - khu vực nay chỉ còn trong biển nước.

Theo lời kể của những người trong làng, mảnh đất này được hình thành từ khoảng 300 năm trước và gắn với đất liền một dải. Nhưng, sự khắc nghiệt của thời gian với những con sóng dữ vùng cửa biển đã khiến thôn bị cô lập giữa 4 bề sóng nước của 3 con sông (sông Cày, sông Nghèn và sông Cửa Sót). Mãi đến năm 1974, vùng đất này mới được mở tuyến đường độc đạo từ cầu Hộ Độ đi sang.

Trước đây, cống cũ (bên trái) nằm ở phía trong đê nhưng bị xói lở hư hỏng, chính quyền địa phương đã phải làm cống mới và lùi vào đất liền vài chục mét

Ông Lê Thế Hiên - một cao niên trong thôn cho biết: “Cách biệt với bên ngoài, cuộc sống lại long đong theo con nước nên hết sức vất vả. Đặc biệt, từ khi bara Đò Điệm được xây dựng, tình trạng nước mặn xâm thực khiến dải rừng ngập mặn với các loại cây như vẹt, sú, đước… chết dần chết mòn. Thiếu đi vành đai xanh chắn sóng chắn gió, tuyến đê ngăn mặn cứ dần bị xói lở; đến nay, có đoạn đã mất hẳn dưới lòng sông, cống ngăn mặn cũng bị hư hỏng hoàn toàn”.

Một cống ngăn mặn khác trên tuyến đê đã bị hư hỏng hoàn toàn

Mỗi mùa mưa bão đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân trong thôn, đặc biệt là các hộ gia đình nằm ven đê khi từng ngày phải đối diện nỗi lo mất vườn, mất nhà do xói lở đất.

Chỉ cho tôi vết tích của dải rừng ngập mặn còn sót lại 1 vài cây và vị trí tuyến đê cũ năm xưa nay đã ngập chìm trong nước, anh Trần Đình Hộ không giấu nổi xót xa: “Cứ mỗi năm diện tích đất vườn lại bị lấn thêm một ít, đến nay nước đã vào sát móng nhà. Giành giật từng khối đất để bảo vệ nơi ở, hàng năm, chúng tôi cũng đã kè thêm đất đá nhưng việc làm này chẳng ăn thua. Thêm vào đó, đường sá nhỏ hẹp, đi lại cũng hết sức khó khăn, muốn đưa nguyên vật liệu về nhà cũng phải bốc vác từng bao hoặc bỏ lên xe máy để chuyên chở”.

Ảnh hưởng của việc xói lở đất, hơn 20 ngôi nhà nằm ở ven đê cũng bị nứt nẻ dù các gia đình đã sửa đi sửa lại nhiều lần.

Tình trạng lở đất đã khiến nhiều tường nhà bị nứt

Chị Trương Thị Yến - người dân trong thôn cho biết: “Nhà tôi giờ đây cũng hầu như bị cô lập hoàn toàn bởi một bên là đoạn đê bị xóa sổ, không còn đường đi sang nhà hàng xóm, một bên là mảnh vườn hoang vu do chủ cũ chuyển đi nơi khác. Bây giờ mỗi lần thủy triều lên là nước đã vào đến sân. Nhà tôi bị nứt nẻ do xói lở nhưng việc tu sửa cũng đành bỏ giữa chừng vì không dám làm tiếp. Với tình trạng này, sợ rằng chỉ vài ba năm nữa là chúng tôi sẽ mất nhà”.

Nhiều gia đình đi tìm vùng đất mới để an cư, bỏ lại nhà hoang, vườn trống

Chia sẻ khó khăn với người dân trong thôn, mỗi năm, xã Hộ Độ đều trích kinh phí để tu sửa tuyến đê nhưng kinh phí cũng chỉ đủ để bồi đắp tạm thời. Dù vậy, công sức đó cũng như dã tràng xe cát khi chỉ cần một cơn bão là đất đá vừa được bồi đắp lại trôi xuống sông xuống biển. Họ đang cần một tuyến đê kiên cố.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói