Chiều 4/12, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập”.
Hà Tĩnh là nơi tụ cư của người Việt cổ, được minh chứng bằng các di chỉ khảo cổ có niên đại hàng ngàn năm lịch sử như: Phôi Phối - Bãi Cọi, Thạch Lạc...
Đây là vùng đất “Giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thổ mà xét cả về trầm tích văn hoá giống nòi qua các thời đại.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Bùi Xuân Thập phát biểu khai mạc hội thảo.
Thời kỳ nào, Hà Tĩnh cũng xuất hiện những anh hùng, chí sỹ, danh nhân văn hoá, lịch sử làm rạng danh đất nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu, Huy Cận...
Các nhà nghiên cứu văn hóa, cán bộ các sở, ban ngành liên quan tham dự hội thảo.
Đây đồng thời cũng là miền phiên trấn, phên dậu của nước Nam xưa, giàu truyền thống cách mạng, tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền rất rõ nét. Và vì vậy, Hà Tĩnh có một nền tảng giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, phải tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, con người nhằm đảm bảo các điều kiện để hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người.
Bước vào thời kỳ hội nhập, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống văn hóa Nhân dân ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương Hà Tĩnh được phát huy; xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm rạng rỡ truyền thống văn hiến, hiếu học, khoa bảng của quê hương.
Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: Muốn phát huy giá trị văn hóa con người trong thời kỳ hội nhập thì phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được có không ít những bất cập nảy sinh, nhiều tệ nạn xã hội xuất hiện. Các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống bị xói mòn… làm ảnh hưởng không nhỏ tới thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Tĩnh nói riêng.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia của các sở ban ngành liên quan đã tập trung phân tích những giá trị vốn có, nhược điểm trong tính cách, lối sống và sự tác động của cơ chế thị trường đến văn hóa, con người Hà Tĩnh. Đồng thời, phân tích những bất cập trong lĩnh vực văn hóa và đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập.
Nguyên Giám đốc Sở VH - TT & DL Bùi Đức Hạnh trình bày tham luận “Nghiên cứu yếu tố văn hóa con người trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Hà Tĩnh”.
Các đại biểu cho rằng, để phát huy được giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới thì giải pháp đầu tiên là phải nâng cao, đổi mới nhận thức về vai trò của văn hóa; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa nhằm đảm bảo các điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, con người.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm giải phóng và phát huy năng lực lao động sáng tạo của người Hà Tĩnh; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, con người trong thời đại công nghệ…
Nguyên Phó Giám đốc Sở VH - TT & DL Phan Thư Hiền: Một số hủ tục trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Hà Tĩnh đã dần được thay thế, phù hợp với điều kiện phát triển trong thời kỳ mới.
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ đề tài khoa học “Nghiên cứu, phát huy giá trị truyền thống người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập” đã được UBND tỉnh, Sở Khoa học – Công nghệ xét duyệt.
Những ý kiến đóng góp của đại biểu là cơ sở để ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện đề tài, góp phần thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.