VIDEO: Khám phá Bảo tàng báo chí Việt Nam
Nằm trong khuôn viên tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam ( Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc. Căn phòng đầu tiên bên trong bảo tàng là nơi trưng bày biểu tượng cây bút, lời dặn của Bác với cán bộ báo chí cùng tượng của các nhà báo tiền bối có công khai sinh nền báo chí Việt Nam.
Khu vực trung tâm của bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật thời kỳ từ năm 1865 - 1925. Chiếc bục hình viên kim cương trưng bày 10 tờ báo nổi tiếng, tiêu biểu, đầu tiên của thế giới, đại diện cho các châu lục và Việt Nam. Tại đây cũng trưng bày ấn bản báo in đầu tiên của thế giới được xuất bản bằng tiếng Đức vào năm 1605 tại thành phố Strasbourg - nước Pháp ngày nay.
Các không gian tại bảo tàng được trưng bày theo các giai đoạn 1925-1945; 1945-1954; 1954-1975, tái hiện toàn cảnh hoạt động báo chí từ những năm đầu phong trào Cách mạng vô sản với dấu mốc lớn là sự ra đời của báo Thanh niên, những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Báo chí quốc ngữ Việt Nam với những hiện vật về sự ra đời của tờ Gia Định báo ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Mẫu quảng cáo đầu tiên trên báo đã có cách đây 140 năm. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký - nhà báo Việt Nam đầu tiên, một trong 18 người uyên bác nhất thế kỷ XIX khi thông thạo đến 26 thứ tiếng...
Các Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nhà hoạt động cách mạng Phan Đăng Lưu, Nguyễn Đức Cảnh; Bộ trưởng Trần Huy Liệu... đều là những cây bút xuất sắc của báo chí Việt Nam.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận và trưng bày hơn 20.000 hiện vật, tài liệu tái hiện các giai đoạn lịch sử của thế hệ làm báo đi trước. Trong đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.
Các không gian trưng bày bố trí trên diện tích gần 1.500 m2, được thể hiện bằng các giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay... thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng (Trong ảnh: Hội viên CLB Nhà báo nữ Hà Tĩnh tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
Không gian trưng bày các ấn phẩm, tạp chí của 63 tỉnh, thành trên cả nước
Hầm Báo Nhân dân dưới làn bom đạn; phòng tối tráng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hay chiếc máy quay “ngựa trời” đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam đều là những ký ức, kỷ vật vô giá với người làm báo.
Chiếc loa đại 500W tại bờ Bắc sông Bến Hải gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nơi đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) anh hùng hiện được trưng bày trang trọng trong bảo tàng.
Những hình ảnh, hiện vật trưng bày ở bảo tàng đã thu hút sự quan tâm, tham quan, tìm hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó giúp người xem có những trải nghiệm phong phú về nghề báo, bồi đắp ý tưởng, nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm cống hiến, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí nước nhà.