Diễn biến bất ngờ trên chính trường Iraq sau bầu cử

Ngày 12/6, giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr bất ngờ tuyên bố bắt tay với ông Hadi al-Ameri nhằm thành lập liên minh cầm quyền mới tại Iraq sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.

Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh al-Sa"iroon (Hướng tới Cải cách) của giáo sỹ Sadr và Liên minh al-Fath (Chinh phục) do ông Ameri đứng đầu là hai lực lượng về nhất và nhì trong cuộc bầu cử quốc hội Iraq diễn ra hôm 12/5 vừa qua.

Tuyên bố trên của ông Sadr gây bất ngờ chính giới Iraq vì giáo sỹ này có lập trường kiên quyết phản đối việc Iran can dự vào tình hình Iraq, trong khi ông Ameri là cựu thủ lĩnh lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi của người Shiite thân Iran.

Trước đó giáo sỹ Sadr đã thể hiện không muốn liên minh với ông Ameri và khối chính trị của ông này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Ameri tại thành phố Najaf, giáo sỹ Sadr đánh giá việc hợp tác giữa hai lực lượng sẽ tạo đà thúc đẩy thành lập một chính phủ mới.

Trong khi đó, ông Ameri cho biết hai bên sẽ thành lập các ủy ban chuyên trách soạn thảo chương trình chính phủ liên minh.

Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử Tối cao Độc lập của Iraq (IHEC) công bố, trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, liên minh của giáo sỹ Sadr giành được 54 ghế trong quốc hội gồm 329 ghế trong khi liên minh của ông Ameri về thứ hai với 47 ghế.

Liên minh al-Nasr của Thủ tướng Haider Al-Abadi về thứ ba với 42 ghế. Tuy nhiên, Quốc hội Iraq mới đây đã thông qua quyết định kiểm lại bằng tay toàn bộ số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, trong đó một số đảng chính trị bị cáo buộc gian lận.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong bối cảnh các cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử thời gian qua làm gia tăng căng thẳng tại Iraq, Thủ tướng Haider Al-Abadi ngày 12/6 tuyên bố phản đối những đòi hỏi tổ chức lại cuộc bầu cử, đồng thời cảnh báo bất cứ ai tìm cách phá hoại tiến trình chính trị sẽ bị trừng phạt.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, ông Al-Abadi nhấn mạnh: "Chỉ Tòa án Liên bang Tối cao mới có thể quyết định có tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội hay không. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, không phải của các chính trị gia. Chính phủ và Quốc hội không có thẩm quyền hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử quốc hội, được tổ chức hôm 12/5 vừa qua."

Trước đó, ngày 11/6, giáo sỹ Sadr cũng đã bác bỏ lời kêu gọi tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội, đồng thời cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Iraq do cạnh tranh chính trị sau cuộc bầu cử, theo đó ông cáo buộc một số đảng phái đang tìm cách đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến.

Theo vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói