Mặt trước đình Hội Thống nhìn ra cầu Cửa Hội.
Cách TP Hà Tĩnh 61 km về phía Đông - Bắc, đình Hội Thống ngoảnh mặt hướng Tây, kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (chữ Hán) gồm 2 tòa chính là nội tẩm và bái đường. Hai đầu là lầu chuông, gác trống. Tại tòa nội tẩm đặt bài vị thần Thành Hoàng, chính giữa có bức hoành phi ghi 4 chữ Hán: “Xuân - Đài - Thọ - Vực”. Đình Hội Thống nằm trên khuôn viên rộng 2.500 m2, tại làng Hội Thống (nay là xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Bái đường có 7 gian, 32 chân cột (mỗi cột lớn chu vi đến 1,7m). Gian chính đặt hương án, 2 gian tả - hữu đắp nổi làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bậc. Sân đình Hội Thống rộng, bên trái là nhà bia, bên phải là miếu thờ thổ thần. Ngoài cổng phía trước đình là khoảng ruộng rộng, hằng năm diễn ra lễ Hạ Điền, sau khi tế thần Thành Hoàng.
Đình được làm bằng gỗ lim nên sau hàng trăm năm vẫn không bị mối mọt.
Đời nhà Lê, người dân có công phò vua nên được vua ban cho tấm biển khắc 3 chữ vàng: “Kiên Nghĩa xã”, do dân đã dựng đình làng vào thời đó, nên cũng được gọi là “Đình Kiên Nghĩa”. Trên biển khắc 4 chữ “Thánh trạch quan ân” và đôi liễn “Vạn cổ du quang viễn. Thiên thu huệ trạch trường”.
Theo các tài liệu thì đình Hội Thống còn thờ Tô Hiến Thành, một ông quan thanh liêm đời Lý; ngoài ra thờ thêm bà Nguyễn Thị Khuê và ông Vũ Ninh Tiến, là những người giúp tiền của xây dựng đình, sửa chữa đê điều và trang trải sưu thuế.
Phía bên trái đình là tấm bia ghi công đức những người tham gia đóng góp tiền của xây đình.
Năm 1995, đình Hội Thống được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là 1 trong 8 di tích cấp quốc gia được xếp hạng của huyện Nghi Xuân. Đình là nơi tổ chức các lễ trọng, họp làng và gắn với một lễ hội lớn “Rước đồ mã”. Lễ hội được tổ chức vào ngày 24, 25 tháng Chạp hằng năm.
Đám rước thường có 2 kiệu lớn: đi trước là kiệu đặt bài vị của Thành Hoàng có lọng che; tiếp theo là kiệu đặt toàn bộ đồ mã: mũ, áo, đai, hia, có lọng che. Ngày 24 rước vào đình để thờ tế; ngày 25, số đồ mã trên được phân chia cho mọi nơi thờ cúng công cộng và một số nhà thờ của các vị khoa cử từ tú tài trở lên. Trong ngày lễ, thủ chỉ đọc bài văn “Thúc ước” của xã để mọi người luôn ghi nhớ.
Đình Hội Thống vẫn giữ được nét đặc trưng của làng cổ Bắc bộ với cây đa - giếng nước - sân đình.
Đình Hội Thống là niềm tự hào của người dân xã Xuân Hội, khi “hữu sự”, người dân lại khấn “7 vị thần Hội Thống” giúp đỡ, Thành Hoàng ở đình là một trong 7 vị thần đó. Cho đến nay, không gian, kiến trúc đình vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, trang trọng, gần gũi. Trong khuôn viên của đình vẫn còn những hình ảnh quen thuộc của các ngôi làng cổ như: cây đa, giếng nước, sân đình.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thiên tai nên hiện nay, nhiều hạng mục của đình đã bị xuống cấp, hư hỏng. Tháng 8/2021, xã Xuân Hội đã tiến hành trùng tu, sửa chữa một số hạng mục.
Những người thợ sửa chữa phần mái ngói phía sau đình.
Theo ông Trịnh Quang Luật - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, toàn bộ kinh phí nâng cấp sửa chữa đình Hội Thống gần 100 triệu đồng do địa phương huy động từ nguồn xã hội hóa và hỗ trợ của huyện Nghi Xuân. Tới đây, xã tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục khác như nhà bia cố Hậu (ghi công người bỏ tiền của trùng tu lại đình trước năm 1945) và các cột trụ nhà tiếp văn, tiếp võ.