Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận dự án Luật Thanh tra sửa đổi

(Baohatinh.vn) - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề xuất rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống “lãng phí” cho các cơ quan thanh tra để thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia đề nghị hoàn thiện quy định xử lý chồng chéo, trùng lặp hoạt động thanh tra; rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống “lãng phí” cho các cơ quan thanh tra.

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất tránh trùng lặp, chồng chéo

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề xuất rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống “lãng phí” cho các cơ quan thanh tra để thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quy định tại Quy định số 191-QĐ/TW ngày 29/10/2024 của Bộ Chính trị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ băn khoăn, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cùng với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cũng như hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Quan tâm về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, trên thực tế có thể xảy ra hành vi cản trở, tác động làm thay đổi nội dung và kết quả thanh tra, đại biểu nhấn mạnh cần xem xét bổ sung hành vi “thay đổi, làm sai lệch tài liệu”.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, quy định khoản 1 Điều 15 và quy định tại khoản 2 Điều 16 đang trùng lặp về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; do đó đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh sửa, đảm bảo thống nhất.

Toàn cảnh phiên thảo luận dự án Luật Thanh Tra (sửa đổi).

Bổ sung quy định xử lý hồ sơ gốc trong trường hợp phát hiện vi phạm

Đại biểu đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 16 “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân các cấp đại diện chủ sở hữu”.

Theo đại biểu, quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này, Thanh tra tỉnh có thẩm quyền “Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở.

Bên cạnh đó, việc quản lý đối với vốn và tài sản nhà nước được giao cho Sở Tài chính nên Thanh tra tỉnh có thẩm quyền để thanh tra đối với doanh nghiệp. Mặt khác, việc thanh tra đối với doanh nghiệp do UBND các cấp đại diện chủ sở hữu không chỉ xem xét việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản mà cần phải xem xét cả các nội dung như quản lý sử dụng viên chức, người lao động, việc chấp hành pháp luật về đất đai, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và người lao động. Do đó, quy định như dự thảo luật là chưa đầy đủ và trùng lặp.

Liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh (Điều 17), đại biểu đề nghị bổ sung nhiệm vụ “xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra” sau khi trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, cho ý kiến đối với kế hoạch thanh tra, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật.

Đồng thời, đại biểu đề nghị rà soát, sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều này, để phù hợp với thực tiễn hoạt động thanh tra liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều ban, ngành, đơn vị.

Về yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu (Điều 42), đại biểu nhấn mạnh hồ sơ gốc có giá trị pháp lý và chứa đựng thông tin quan trọng phục vụ cho điều tra, truy tố và xét xử, do đó tại khoản 3, đề nghị bổ sung quy định “trừ trường hợp qua thanh tra phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì hồ sơ gốc được chuyển cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói