Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở: Thực trạng “già hóa”!

(Baohatinh.vn) - Theo quy định, cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Thế nhưng, tại một số cơ sở Đoàn, vì nhiều lý do khác nhau, các cán bộ Đoàn là bí thư, phó bí thư đều quá tuổi nhưng vẫn chưa thể luân chuyển công tác.

Cán bộ Đoàn “U40”

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 34 bí thư, phó bí thư Đoàn xã đã quá tuổi theo quy định. Trong đó, Can Lộc chiếm tỷ lệ cao nhất. Toàn huyện hiện có 11/23 bí thư, phó bí thư Đoàn xã từ 35-40 tuổi, trong đó 9/11 đồng chí trình độ đại học, 2/11 đồng chí trình độ cao đẳng, trung cấp; 11 bí thư, phó bí thư Đoàn xã đều có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Sau hàng chục năm cống hiến, hầu hết các cán bộ quá tuổi đều mong muốn được trưởng thành Đoàn, luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn nhưng chưa được giải quyết.

Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở: Thực trạng “già hóa”! ảnh 1
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ có năng lực.

Sinh năm 1974, năm nay đã bước sang tuổi 41, song anh Đặng Quốc Nga vẫn giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã Mỹ Lộc (Can Lộc). Năm 1996, rời quân ngũ, anh hăm hở mang sức trẻ, kinh nghiệm về phục vụ quê hương. Cuối năm 1996, anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Đại Đồng; đến 2004, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Mỹ Lộc. Năm 2009, mặc dù anh Nga đã hết tuổi đoàn, song, xã chưa có nhu cầu thay đổi nguồn cán bộ nên anh vẫn tiếp tục làm Bí thư Đoàn xã cho đến nay.

Anh Nga chia sẻ: “Mặc dù tâm huyết và lòng nhiệt tình vẫn như xưa nhưng sự năng động, xông xáo thì không thể bằng thế hệ trẻ. Tôi rất mong được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác, trình độ chuyên môn và để nhường chỗ cho những người trẻ đảm đương công việc, vừa tạo động lực để họ phấn đấu, vừa nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương”. Theo anh Đặng Quốc Nga, Phó Bí thư Đoàn xã Trần Đình Luận, sinh năm 1979 đã giữ chức vụ được 10 năm nhưng chưa biết sẽ bố trí hay luân chuyển công tác thế nào. Bởi theo quy định thì phó bí thư Đoàn xã đã bước sang tuổi 36 sẽ không được cơ cấu làm bí thư. Người con lớn của anh Nga cũng đã trở thành đoàn viên. “Trong gia đình, bố và con đều là đoàn viên, bố con nhiều khi gọi đùa nhau là đồng chí”, anh Nga cười bảo.

Tương tự anh Nga, anh Hoàng Trọng Đạt, sinh năm 1974, đã có 15 năm là cán bộ Đoàn xã Sơn Lộc, trong đó có gần 10 năm làm Bí thư Đoàn xã. Anh Đạt tâm sự: “Ở độ tuổi 41, nhiều bạn bè cùng làng, cùng xã, lấy vợ sớm chuẩn bị làm ông, làm bà. Mình thì vẫn Bí thư Đoàn xã!”.

Hết tuổi, vẫn chờ… trưởng thành Đoàn!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi là cơ chế luân chuyển cán bộ ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Đơn vị xã có khoảng 20 cán bộ được biên chế và thường là các chức vụ bí thư, chủ tịch, trưởng các ban, ngành, đoàn thể. Do đó, khi cán bộ về hưu mới có “chỗ trống” cho cán bộ đoàn thay thế. Bên cạnh đó là năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ đoàn còn hạn chế. Hầu hết cán bộ Đoàn cấp xã mới chỉ tốt nghiệp THPT, trung cấp hoặc đại học tại chức nên khó khăn trong việc luân chuyển, bố trí công việc khác phù hợp.

ĐVTN tham gia phát quang đường làng, ngõ xóm tại xã Việt Xuyên (Thạch Hà)
ĐVTN tham gia phát quang đường làng, ngõ xóm tại xã Việt Xuyên (Thạch Hà)

Anh Đặng Quốc Nga cho biết, mặc dù công tác đoàn, hội và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương những năm qua vẫn đạt kết quả tốt, nhưng nếu làm cán bộ Đoàn quá lâu sẽ thấy nhàm chán, lặp đi, lặp lại theo lối mòn. Nếu được luân chuyển đến công việc mới phù hợp, tinh thần làm việc sẽ hăng hái hơn, sáng tạo hơn nhiều. Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh cũng dành thời gian học tập và đã tốt nghiệp Đại học Huế, chuyên ngành kế toán. “Học là vậy, còn bố trí công việc ra sao lại là chuyện khác”, anh Nga chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Hữu Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lộc cho rằng, cán bộ Đoàn là một trong những nhân tố phát triển nguồn cán bộ và các phong trào của địa phương. Việc cán bộ đoàn quá tuổi trưởng thành mà không bố trí được vị trí phù hợp là lỗi của cấp ủy, chính quyền và cũng là “cái khó” trong việc sắp xếp cán bộ ở cơ sở. Riêng đối với trường hợp anh Hoàng Trọng Đạt - Bí thư Đoàn xã, năm 2015, xã sẽ tổ chức trưởng thành đoàn và bố trí công việc khác. Bởi thời gian tới, xã có vị trí biên chế nghỉ hưu theo chế độ.

Bí thư Huyện đoàn Can Lộc - Mai Khắc Sáng cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất Thường trực Huyện ủy, cấp ủy, chính quyền giải quyết “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, do định biên của cấp xã cố định và không có sự thay đổi nên “đầu ra” cho cán bộ đoàn quá tuổi gặp những khó khăn nhất định.

Không thể phủ nhận về kinh nghiệm cũng như thực tiễn công tác của những cán bộ Đoàn đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này. Thực tế cũng cho thấy, nhiều cơ sở đoàn có thủ lĩnh lớn tuổi đang hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Tuy nhiên, cán bộ Đoàn là thủ lĩnh của những người trẻ, vì vậy, để tổ chức Đoàn thực sự vững mạnh thì công tác trẻ hóa cán bộ đoàn cơ sở nhất thiết phải được chú trọng.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast