Mặt trận tổ quốc với vai trò giám sát và phản biện xã hội

(Baohatinh.vn) - Mặt trận tổ quốc Việt Nam là tổ chức đoàn kết rộng rãi toàn dân, tập hợp mọi lực lượng trong xã hội để đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh vào cuộc sống, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời đại diện cho quyền lợi hợp pháp của nhân dân để phản ánh mọi ý nguyện với Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam

Trong điều kiện Đảng nắm chính quyền, Đảng độc quyền lãnh đạo xã hội, thì Mặt trận tổ quốc là tổ chức có vai trò to lớn trong việc xây dựng Đảng và tạo điều kiện cho Đảng làm tốt các vai trò của mình, trong đó có việc giám sát và phản biện xã hội. Điều này Đảng đã có chủ trương và Hiến pháp cũng đã quy định, vấn đề là tổ chức giám sát, phản biện thế nào cho thiết thực và có hiệu quả trong xã hội. Đây cũng là nội dung rất quan trọng mà Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ VIII tiếp tục thảo luận để tạo sự thống nhất cao và có những quyết định mạnh mẽ thực hiện tốt hơn vai trò quan trọng này. Quan điểm của Đảng đã rõ, Hiến pháp cũng đã khẳng định, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã nêu rõ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận. Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho tốt.

Những năm qua hoạt động giám sát, phản biện của mặt trận đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước nhất là với Quốc hội, HĐND các cấp; việc thực hiện các chủ trương chính sách ở cơ sở, việc bầu đại biểu dân cử cũng như công tác cán bộ .v.v.. Tuy vậy, đến nay, vẫn còn không ít lĩnh vực giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam chưa được pháp luật cụ thể hóa thành cơ chế, năng lực giám sát phản biện còn yếu, hoạt động giám sát, phản biện còn gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa được bao nhiêu, nếu không nói là còn mang tính hình thức. Vì vậy, để làm tốt vai trò quan trọng này, không chỉ mặt trận mà toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải nhận thức đầy đủ và tạo mọi điều kiện để việc giám sát và phản biện của Mặt trận tổ quốc đi vào cuộc sống thiết thực..

Một thực tế là trong điều kiện Đảng độc quyền lãnh đạo, thì các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đưa ra không tránh khỏi chủ quan, mang ý chí của tổ chức lãnh đạo; nên cần phải có một tổ chức đủ mạnh, đủ uy tín đại diện cho nhân dân đứng ra giám sát và phản biện để góp phần hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn và đặc biệt là phản ánh được ý nguyện thiết thực của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tổ chức đó trước hết là Mặt trận tổ quốc.

Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2014-2019, tổ chức ngày 8/7/2014 tại TP Hà Tĩnh.

Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2014-2019, tổ chức ngày 8/7/2014 tại TP Hà Tĩnh.

Mặt khác, việc giám sát và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc là một nhiệm vụ mới và khó nhưng cũng rất nhạy cảm, vì thế mặt trận tổ quốc cần phải chủ động đề xuất với Đảng và Nhà nước không chỉ chủ trương mà cần có các chỉ thị, nghị quyết cụ thể được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật trong đó quy định về đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, cơ chế và điều kiện cụ thể để mặt trận tổ quốc có đủ điều kiện thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện của mình.

Phạm vi, nội dung giám sát và phản biện cần tập trung vào những chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ chính đáng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; tổ chức bộ máy và cán bộ chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị; những chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo… Việc giám sát cần làm thường xuyên toàn diện và ở mọi nơi, còn việc phản biện thì chủ yếu đối với các tổ chức Đảng và Nhà nước các cấp có thẩm quyền xây dựng các đề án và việc phản biện phải được tiến hành từ khi khởi thảo và trong quy trình xây dựng đề án.

Việc giám sát và phản biện cần được tiến hành công khai, được tổ chức chu đáo với ý thức trách nhiệm đầy đủ của những tổ chức được giám sát và phản biện. Các ý kiến của mặt trận tổ quốc nêu ra cần được ghi nhận và tiếp thu, có hồi âm trở lại kịp thời. Cần tránh tình trạng khi được giám sát, phản biện thì tỏ ra quan trọng, nhưng rồi trong thực tế thì những đối tượng được giám sát, phản biện lại không tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ không sửa chữa những sai sót kịp thời mà “đâu lại vào đó”.

Để làm tốt công tác giám sát và phản biện thì bản thân mặt trận tổ quốc phải nâng cao năng lực của mình một cách thực chất. Cán bộ chủ chốt cũng như bộ máy và cán bộ nhân viên của Mặt trận tổ quốc phải có trình độ, đủ năng lực, đủ bản lĩnh để giám sát và phản biện. Phải tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân, của các tầng lớp xã hội về những nội dung giám sát và phản biện để phản ánh đúng tiếng nói thực chất của nhân dân về những vấn đề đó. Mặt trận cần tập hợp được lực lượng từ các tổ chức và cơ quan thành viên, các chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh vực hiện đang làm việc hay đã nghỉ hưu, dư luận qua các kênh thông tin đại chúng, dư luận xã hội… một cách rộng rãi, không cầu toàn nhưng có chọn lọc để nội dung giám sát và phản biện có chất lượng và mang tính xây dựng.

Quá trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội phải đảm bảo tính đúng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khách quan và khoa học; hết sức đề phòng sự lợi dụng giám sát và phản biện để nêu ra những quan điểm lệch lạc, với những động cơ có ý đồ xấu hòng làm lung lạc ý chí của toàn Đảng, toàn dân trên con đường thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay.

Điều mong muốn của nhân dân là hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam thật sự góp phần làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước sát hợp với đời sống xã hội; bộ máy và cán bộ trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao về năng lực cũng như phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, chống quan liêu, tham nhũng lãng phí… để ngày càng đáp ứng tốt hơn công cuộc đổi mới của đất nước, cũng như nâng cao vị thế của mặt trận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng với chế độ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast