Hội đua thuyền rồng mừng Thánh Mẫu của bà con ngư dân Kỳ Ninh.
Lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải, đền Thánh Mẫu) là sự kiện được bà con trong vùng chờ đợi nhất mỗi độ xuân về. Những ngày này, bà con trong làng đang cùng với chính quyền địa phương tất bật, hối hả hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày khai hội.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh cho biết: Cứ đến lễ giỗ của Chế thắng phu nhân, bà con trong xã đều tổ chức gói bánh chưng. Năm nay là giỗ thứ 640 năm nên bà con sẽ gói 640 chiếc bánh chưng nhỏ để dâng lễ.
Theo các cụ cao niên trong xã thì vào tối 11/2 (âm lịch), tại đền thờ Thánh Mẫu sẽ có lễ tiên thường, cáo tế. Trong đó, cỗ tế là cỗ thục (cổ chín), có xôi, thịt lợn và gà luộc. Suốt đêm hôm đó, các chức sắc, hào lão sẽ chia nhau túc trực hương đèn. Một số trai tráng cũng được cắt cử ở lại đền. Sau buổi tế, làng rước linh vị ra bờ sông dự hội chèo bơi hầu Thánh Mẫu. Khi Thánh mẫu được rước ra đến nơi thì người dân đã ken kín cả bờ sông. Cờ mở, trống giong 3 hồi thì thuyền xuất phát, theo nhịp mõ và mái chèo rắn chắc, thuyền cứ thế mà lao vút. Khi lễ hội kết thúc, làng lại rước linh vị Thánh Mẫu trở về đền.
Bên cạnh tục dâng bánh chưng thờ Thánh Mẫu và lễ tế Lục ngoạt, xã Kỳ Ninh tổ chức cuộc vui cho toàn dân với các trò “vật cù” (đấu vật) hầu thần. Vào hội, các làng lựa chọn trai tráng khỏe mạnh chia thành phe, cử trưởng phe, số quân không hạn định nhưng phải ngang nhau. Ba hồi trống đại nổi lên cũng là lúc 2 phe ra sân bắt đầu trận đấu trước sự hò reo, cổ vũ của khán giả.
“Là năm chẵn nên lễ giỗ 640 năm của Thánh Mẫu năm nay sẽ được tổ chức ở quy mô cấp thị. Cùng với phần lễ và màn sử thi “Nữ trung hào kiệt - Ngọc Bích triều Trần”, thị xã còn tổ chức phần hội với các giải thể thao: bóng chuyền và kéo co, thả đèn hoa đăng trên sông. Ngoài ra, xã còn tổ chức giải đua thuyền rồng truyền thống, đập cù, chương trình giao lưu văn nghệ giữa các thôn xóm” - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.
Ngoài lễ hội đền Chế thắng phu nhân, xã Kỳ Ninh còn có các nghi thức cúng tế ở lễ cầu ngư, lễ thay khoán, lễ tế thần cá Voi… ở các di tích như: đền thờ Sát hải tướng quân, miếu thờ Cá Ông, miếu Thánh Mẫu Càn vương, miếu thờ thần cá Voi... Tất cả đều mang đặc trưng riêng của cư dân vùng biển.
Điều đáng mừng là dù trong thời kỳ hội nhập, ở nhiều địa phương, các trò chơi dân gian đã bị mai một do nếp sống, nếp sinh hoạt thay đổi, song ở Kỳ Ninh, các nghi thức và một số trò chơi truyền thống vẫn được chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân duy trì và phục dựng, nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống ở xã vùng biển này đang được bảo tồn, phát huy.