Đồng bộ trong chuyển đổi số ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Các cấp, ngành và người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Lộc Hà quan tâm, đẩy mạnh.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 110 năm Ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng, ngày 10/10, các đội thanh niên tình nguyện ở Lộc Hà đã về các thôn tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân cài đặt chữ ký số điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ công và các tiện ích khác trên máy điện thoại thông minh.

Đặc biệt, trong dịp này, Huyện đoàn Lộc Hà đã phối hợp với xã Mai Phụ và Trường THPT Mai Thúc Loan (đóng ở xã Thạch Châu) ra mắt "công trình thanh niên": Mã QR thông tin di tích lịch sử đền thờ vua Mai Thúc Loan.

Ra mắt công trình thanh niên mã QR thông tin di tích lịch sử đền vua Mai Thúc Loan.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Mai Phụ Lê Đình Mỹ chia sẻ: “Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng và lan tỏa các ý nghĩa, giá trị văn hóa, tinh thần, thẩm mỹ, đời sống tâm linh của di tích lịch sử vua Mai Thúc Loan đến với người dân, du khách thập phương, chúng tôi đã ra mắt mã QR thông tin về di tích lịch sử này. Chúng tôi làm 2 infographic song ngữ Việt - Anh và 1 video clip để giới thiệu chính xác, sinh động, khá đầy đủ về tổng quan, các hình ảnh, các hoạt động lớn, các thông tin tư liệu quan trọng cho du khách có nhu cầu tìm hiểu khi đến đây”.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Mai Phụ Lê Đình Mỹ hướng dẫn người dân quét mã QR tại khu di tích.

Để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các tổ chuyển đổi số cộng đồng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn được tốt hơn, mới đây, UBND huyện Lộc Hà tiếp tục tổ chức tập huấn cho gần 250 đại biểu là thành viên các tổ chuyển đổi số cộng đồng và ban chỉ đạo chuyển đổi số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Lớp tập huấn đã giúp các thành phần được cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng lực nhận diện lừa đảo trên không gian mạng; nắm bắt luật căn cước công dân và quy trình, quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi; hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công, đăng ký và sử dụng tài khoản VNeID...

Tăng cường tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực hỗ trợ chuyển đổi số cho người dân đối với các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Hà: Huyện thường xuyên quan tâm đến công tác chuyển đổi số gắn với chăm lo phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Hiện, ở huyện và các xã, thị trấn đều bố trí cán bộ phụ trách CNTT có trình độ, năng lực đạt chuẩn, 100% trường học (trừ mầm non) có giáo viên giảng dạy môn tin học, 100% CCVC sử dụng thành thạo máy tính và đạt chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT. Hằng năm, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và tổ chức tập huấn chuyển đổi số theo từng lĩnh vực để nâng cao năng lực số hóa.

ĐVTN hỗ trợ người dân xã Thạch Kim kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh.

Lộc Hà cũng đã chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số, chính quyền số. Hiện, 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính kết nối mạng internet và nhiều thiết bị phụ trợ khác để làm việc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối đến tất cả các địa phương và hệ thống hội nghị trực tuyến cấp trên, 100% trụ sở xã và 92 nhà văn hóa thôn đều có điểm wifi công cộng miễn phí.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đã được ứng dụng hiệu quả đồng bộ với hệ thống các phần mềm chuyên ngành như hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, quản lý tài sản công, quản lý cán bộ, quản lý hộ tịch, quản lý đối tượng chính sách và người có công, quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế mới, Lộc Hà cũng luôn chú trọng phát triển kinh tế số và hướng tới xã hội số. Theo đó, các cơ sở kinh doanh bán lẻ trên địa bàn đã ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm OCOP và nhiều hàng hóa khác đã lên sàn điện tử, 100% doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 36%.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của Lộc Hà đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Hiện nay, Lộc Hà cũng đã có 2 nhà văn hóa thông minh, 2 thôn ứng dụng và lắp đặt đài truyền thanh thông minh, Mai Phụ đang xây dựng xã thông minh, Thạch Kim đăng ký xây dựng xã thương mại điện tử. Tỷ lệ người trưởng thành có điện thoại thông minh chiếm 85% và 90% gia đình có điện thoại thông minh. 100% người dân có danh tính số, 92% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử…

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Hà Nguyễn Thị Phương Loan cho hay: “Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đã được thực hiện nghiêm túc, sâu sát, hiệu quả, chủ động khắc phục các khó khăn, vướng mắc và ưu tiên bố trí các nguồn lực. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn luôn được bám sát ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nên phù hợp với xu thế hội nhập, được người dân hưởng ứng cao và đạt kết quả đáng ghi nhận ở cả các lĩnh vực, địa phương, đơn vị”.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói